Ngân hàng xây dựng gói tín dụng hỗ trợ thiệt hại do COVID-19

25/01/2025
Thực hiện chủ trưởng của Chính phủ, ngành ngân hàng đang tích cực triển khai các gói tín dụng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với tổng giá trị dự kiến lên tới 285.000 tỷ đồng, đi kèm với đó NHNN sẽ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn bảo đảm nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, minh bạch và đúng địa chỉ.

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về những giải pháp mà NHNN đang triển khai.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, hầu hết các ngân hàng thương mại đều tích cực đăng ký tham gia chương trình này.

Với các khoản cho vay mới, nhiều ngân hàng đăng kí gói giảm hoàn toàn các phí như phí thanh toán, phí chuyển tiền, có ngân hàng đăng kí giảm lãi suất từ 0,5 đến 1% với các khoản vay với hay dự nợ đang có.

Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đăng ký hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) 100 tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) 35 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) 15 nghìn tỷ đồng.

Các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam (Vietinbank) cũng đã có các biện pháp hỗ trợ ban đầu hiệu quả, đang tiến hành bổ sung các gói cụ thể.

Về lãi suất, các ngân hàng sẽ hỗ trợ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bình quân, các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường, nguồn vốn cho chương trình này hoàn toàn đến từ các ngân hàng chứ không cấp ngân sách.

“Ngân hàng không thiếu vốn, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp có thể hấp thụ được nguồn vốn hỗ trợ. Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh thì các TCTD sẽ xem xét miễn giảm lãi tùy theo thực trạng tài chính của từng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn”, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Trước đó, tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp của ngành Ngân hàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước cho biết, bước đầu ghi nhận, các TCTD đã hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng...

Có tình trạng ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỉ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Đến nay, có 23 TCTD báo cáo Ngân hàng Nhà nước, ước tính sơ bộ khoảng 926 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn bởi dịch như: nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục.

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã quán triệt các TCTD xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp, nhiệm vụ theo chỉ đạo của NHNN, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trên tinh thần tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng bị thiệt hại. Không chỉ đưa ra các gói hỗ trợ, NHNN đang khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi khi triển khai.

Cụ thể, NHNN đã có văn bản  đề nghị các TCTD Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 và đến ngày 31/3/2020 (trong thời gian chờ hướng dẫn mới).

Hiện tại NHNN đã có dự thảo Thông tư hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“NHNN đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Tư pháp với quan điểm là các chương trình sẽ thời hạn mở phù hợp bảo đảm sự hỗ trợ đến các thiệt hại do dịch bị giảm thiểu, hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại giữ nguyên nhóm nợ, bảo đảm nguồn lực kinh doanh…”, ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng quán triệt tinh thần chỉ đạo là đánh giá tác động đầy đủ, thực hiện hỗ trợ kịp thời, để các gói hỗ trợ đến đúng địa chỉ. Đồng thời, vẫn tính toán đến các vấn đề khó khăn có thể tác động tới hệ thống ngân hàng sau này, bảo đảm biện pháp giám sát, thanh tra đầy đủ không làm méo mó thị trường tín dụng.

Lãnh đạo NHNN cũng cho rằng cần phải có sự vào cuộc của các bộ ngành khác nhau.  Bên cạnh các chính sách tiền tệ cần có sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách khác như chính sách tài khoá (Bộ Tài chính), sản xuất, thị trường đầu vào đầu ra (Bộ Công Thương)… mới tạo hiệu quả được hiệu quả tổng thể cho nền kinh tế. 

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 ngày 3/3 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Cần có chính sách hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của Chính phủ, của các cấp, các ngành đối với sản xuất kinh doanh, dịch vụ, chuẩn bị tốt mọi điều kiện để phát triển thời gian tới. Các gói hỗ trợ phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, không được để lâu, không để xảy ra cơ chế xin-cho, thiếu minh bạch.


Nguồn: