Dịch Covid-19 đang tác động mạnh tới tất cả các ngành nghề trong nền kinh tế. Tăng trưởng GDP quý đầu năm nay của nước ta chỉ đạt 3,82% và nhiều dự đoán cho thấy tăng trưởng cả năm sẽ khó đạt 5%. Hiện Chính phủ đã phê duyệt gói an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng, gói tài khoá trị giá 180.000 tỷ đồng trong trong khi các ngân hàng thương mại cũng đã đưa ra các gói tín dụng cho vay ưu đãi tới tổng cộng trên 600.000 tỷ đồng.
Ngành nào cũng cần gói tín dụng ưu đãi
Ngay từ khi dịch bệnh xảy ra, ngành ngân hàng đã xác định các ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp như là dịch vụ khách sạn, nhà hàng, du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu…nên đã thực hiện giãn nợ, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và phí dịch vụ, song song với việc đưa ra các gói tín dụng với lãi suất giảm từ 0,5% cho đến 4,5% so với mức lãi suất thông thường. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đã thực hiện giãn nợ và miễn giảm lãi suất cho các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tới hơn 143.000 tỷ đồng, đồng thời cho vay mới đạt gần 200.000 tỷ đồng.
Trong khi ngành ngân hàng vẫn đẩy mạnh hỗ trợ nền kinh tế thì các ngành nghề bị ảnh hưởng cũng tranh thủ đề xuất các chương trình tín dụng ưu đãi để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Từ các ngành nghề như nông nghiệp, thuỷ sản, vận tải, du lịch, khách sạn, nhà hàng, hàng tiêu dùng, bán lẻ... cho đến cả bất động sản, từ khách hàng cá nhân, các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến doanh nghiệp lớn và tập đoàn ai ai cũng đều mong muốn được cho vay ưu đãi. Thậm chí một số doanh nghiệp còn mong muốn được vay số tiền lớn với lãi suất 0%, chẳng hạn đề xuất của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước cho Vietnam Airlines vay 12.000 tỷ đồng với lãi suất 0% trong 3 năm.
Tiền không thiếu!
Đó là câu trả lời từ phía ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. Thực tế trong 3 tháng đầu năm nay nhiều ngân hàng đang phải đối mặt với tình trạng "thừa tiền" bởi lẽ ít người vay trong khi tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp vẫn ổn định. Theo tổng kết của chúng tôi, hiện các ngân hàng đang sẵn sàng cho vay các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lên đến 650.000 tỷ - con số cao gấp hơn 2 lần so với dự tính ban đầu của gói tín dụng 250.000 tỷ. Trong đó có những ngân hàng sẵn sàng cho vay cả trăm nghìn tỷ.
Tuy nhiên thừa tiền là một chuyện, còn cho vay giá rẻ lại là chuyện khác. Hiện nay nguồn vốn đầu vào của các ngân hàng vẫn chủ yếu đến từ vốn huy động của dân cư và các tổ chức kinh tế, với chi phí rẻ nhất là 4,5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng còn cao nhất là 9,2%/năm cho kỳ hạn dài. Theo lý giải của các ngân hàng, việc đưa ra con số lãi suất cho vay bao nhiêu là phải cân đo đong đếm kỹ từng đồng để đảm bảo trang trải các chi phí, đảm bảo không thua lỗ và có phần dự phòng cho rủi ro nợ xấu. Vì thế biên độ chênh lệch giữa huy động và cho vay phải tối thiểu 2% thì mới an toàn, chứ chưa nói đến lãi. Hiện các ngân hàng đang đưa ra mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,5%/năm là mức kịch sàn có thể chịu được, nếu hạ thấp hơn nữa (mà không có nguồn vốn giá rẻ khác) thì ngân hàng không thể trụ vững.
Ngân hàng lấy đâu vốn để cho vay giá rẻ?
Câu hỏi đặt ra là vậy các ngân hàng có muốn cho vay rẻ hơn nữa không? Câu trả lời là có, vì với vai trò là trung gian dẫn vốn cho nền kinh tế, họ phải cho vay được mới tồn tại được, nền kinh tế mới có thể phát triển. Song, như đã đề cập, hạ lãi suất cho vay đến mức tối đa, trong vùng có khả năng chịu đựng được thì ngân hàng mới có thể thực hiện, nếu không sẽ trở thành "tội đồ" vì thua lỗ.
Song với nền kinh tế hiện nay, ngành nghề nào cũng cần vốn rẻ và bài toàn này cần cả hệ thống ngân hàng phải vào cuộc tìm lời giải. Vậy làm sao ngân hàng có được nguồn vốn đầu vào giá rẻ để cho vay với lãi suất thấp?
Tham vấn ý kiến của các chuyên gia, chúng tôi nhận được câu trả lời rằng vẫn có cách để ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn nữa, mà NHNN cùng các ngân hàng thương mại có thể xem xét.
Thứ nhất là hạ chi phí vốn vào, thông qua hạ lãi suất huy động. Khi cả nền kinh tế "bị thương" vì Covid-19 thì người gửi tiền cũng nên chia sẻ khó khăn bằng cách chấp nhận lãi suất tiền gửi ít đi. Hiện nay lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng đang được NHNN quy định trần ở mức 4,75%/năm – là mức được xem là hợp lý. Tuy nhiên với kỳ hạn 6 tháng trở lên – cũng là kỳ hạn mà người vay có nhu cầu nhiều nhất – thì còn đang thả nổi với lãi suất được các ngân hàng rộng tay niêm yết, có nơi chỉ chưa đến 6%/năm nhưng có nơi đến hơn 9%/năm.
Dẫu một số ý kiến cho rằng các ngân hàng nhỏ phải cạnh tranh lãi suất mới có thể hút được vốn, tuy nhiên trong thời gian xảy ra dịch bệnh, NHNN có thể xem xét sử dụng trần lãi suất ở kỳ hạn dài với một mức độ phù hợp, qua dịch bệnh có thể trở về chính sách cũ là lãi suất thoả thuận.
Hai là, NHNN có thể xem xét cho các ngân hàng thương mại tăng vay tái cấp vốn, dù không nhiều, nhưng cũng hỗ trợ được các ngân hàng thương mại phần nào để họ có thêm nguồn vốn rẻ đưa ra thị trường.
Ba là, xem xét hạ thêm các lãi suất điều hành, nhất là các lãi suất hỗ trợ trực tiếp cho ngân hàng chẳng hạn lãi suất thị trường mở, tái cấp vốn, tái chiết khấu...
Và bốn là, xem xét hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng thương mại. Hiện nay toàn hệ thống có số dư tiền gửi lên đến gần 9 triệu tỷ đồng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng là 3%, như vậy việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp hàng chục nghìn tỷ đồng trong hệ thống được "giải phóng" và giúp hạ mặt bằng lãi suất cho vay.
Theo ý kiến chuyên gia, các chính sách nói trên là không cần thiết trong điều kiện bình thường, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế còn cần vốn rẻ hơn nữa như hiện nay thì có thể xem xét áp dụng một hoặc vài trong các biện pháp, sau khi dịch bệnh qua đi, nền kinh tế phục hồi thì có thể đưa chính sách trở lại như trước khi xảy ra dịch bệnh.
Nguồn: