Ngày 5/12/2020, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, một số quy định trong Nghị định 126 vẫn còn có ý kiến trái chiều.
Cụ thể, Nghị định 126 có quy định "các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp. Đồng thời, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế".
Đáng chú ý, hàng tháng ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản cho cơ quan quản lý thuế.
Quy định mới này được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế việc kê khai không đủ, trốn thuế của những người có nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên cũng có những nghi ngại liên quan tới yêu cầu bảo mật thông tin khách hàng của ngân hàng. Có ý kiến cho rằng, quy định nêu trên mâu thuẫn với quy định của Luật Tổ chức tín dụng, ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng.
Để làm rõ hơn những quy định tại Nghị định 126 và giải đáp những vấn đề còn gây tranh luận, Nhadautu.vn đã trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức - người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, đang đóng vai trò Chủ tịch Công ty Luật Basico trực tiếp tư vấn luật cho ngân hàng và các doanh nghiệp.
Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế đã có những quy định khá rõ về yêu cầu cung cấp thông tin đối tượng nộp thuế từ phía ngân hàng có cơ quan thuế. Dù vậy, vẫn có những người cho rằng, ngân hàng có quyền từ chối cung cấp thông tin cho cơ quan thuế và sẽ tuân theo Luật Các tổ chức tín dụng thay vì Luật Quản lý thuế. Ông nghĩ sao về cách hiểu này?
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico. Ảnh: Internet.
LS. Trương Thanh Đức: Nghị định 126 chỉ là giải thích rõ hơn, quy định chi tiết Luật Quản lý thuế. Và nếu đã là quy định trong luật thì không còn gì phải bàn hay tranh cãi, vì đó là luật định.
Ngay cả Luật Các tổ chức tín dụng từ năm 1997 cũng đã nói tới ý "tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải cung cấp thông tin khách hàng khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật". Sau đó, quy định này được cụ thể hoá tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.
Quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng nêu rõ "nhân viên, ngân hàng phải bảo mật thông tin khách hàng trừ trường hợp yêu cầu của cơ quan chức năng". Luật Quản lý Thuế thì có gần chục điều nói về cung cấp thông tin và có 20 lần xuất hiện cụm từ "Ngân hàng thương mại" với quy định rất rõ cung cấp tài khoản như thế nào, thời điểm nào, dịch vụ cung cấp ra sao. Vì thế có thể nói rằng, không có sự sai khác giữa Luật Các tổ chức tín dụng và Nghị định 126, yêu cầu cung cấp thông tin cho cơ quan thuế từ phía ngân hàng, tổ chức tín dụng là tất yếu, đúng luật hướng tới công bằng và minh bạch.
Luật đã quy định từ lâu nhưng đến Nghị định 126 thì khác nhau về kỹ thuật triển khai. Trước là làm thủ công, làm khi có yêu cầu, còn nay quy định mới yêu cầu làm online, quy định ngày giờ định kỳ cung cấp thông tin và cung cấp cái gì. Ví dụ, ở đây mở tài khoản phải có mã số thế, mã doanh nghiệp và ngân hàng phải cung cấp tất cả những thông tin trên cho cơ quan thuế.
Vậy còn lo ngại về việc lộ lọt thông tin khách hàng ngân hàng thì sao, thưa ông?
Lo ngại là chính đáng nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận rủi ro này. Việc lộ lọt thông tin là việc của cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta không tin nhà nước thì tin ai? Về lý cơ quan đó phải bảo đảm hơn ngân hàng thương mại. Và đã có quy định về việc nếu cơ quan chức năng làm lộ lọt thông tin cần bảo mật thì sẽ bị xử lý ra sao, thậm chí là khởi tố.
Thực tế cho thấy, việc bán thông tin khách hàng thì các ngân hàng thương mại sẽ dễ vi phạm hơn vì đông nhân viên và có cơ hội bán thông tin lấy tiền, còn công chức nhà nước thì ít rủi ro này hơn. Nếu bạn từng gửi vài trăm triệu hoặc hàng tỷ tại ngân hàng sẽ dễ gặp trường hợp khoản vay tới gần ngày tất toán lại có nhân viên ngân hàng khác gọi mời gửi tiền ở ngân đó với lãi suất cao hơn. Vì vậy, có thể nói là không có chuyện bảo mật tuyệt đối, lộ lọt thông tin là rủi ro mà khách hàng buộc phải chấp nhận.
Như vậy, có thể hình dung rằng, cơ quan thuế sẽ có một hệ dữ liệu rất lớn và tổng quan về thu nhập của những đối tượng phải nộp thuế. Vậy theo ông, ai sẽ "sợ" Nghị định 126 khi đi vào thực tiễn và liệu những quy định nêu trên có làm việc thu thuế hiệu quả hơn?
Ai gian lận thuế, trốn thuế, không minh bạch trong kê khai tài sản thì sợ những quy định trên. Giao dịch của những đối tượng này thường là bất minh, thu nhập, giao dịch, gửi tiết kiệm, mua bán nhiều nhưng ít ai biết. Thực chất Ngân hàng Nhà nước nắm được hết, nhưng không có vấn đề gì lớn thì họ chưa động tới.
Về bản chất hệ dữ liệu với cơ quan thuế là như nhau nhưng đến nay khi ngân hàng cung cấp thông tin định kỳ thì việc giám sát, thu thuế sẽ hiệu quả, dễ hơn và tiện hơn. Nếu như trước cơ quan thuế phải săm soi và nghi ngờ mới hỏi, yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin thì nay hệ dữ liệu đã có sẵn, là tự động và muốn tìm thông tin cá nhân nào sẽ có ngay. Sự tiện lợi và hiệu quả sẽ gấp 100 lần so với trước đây. Với thời đại công nghệ như hiện nay thì như thế hoàn toàn đúng.
Với những quy định nêu trên, cơ quan thuế dễ dàng tìm ra trong 1 ngày ở Hà Nội hay bất cứ đâu trên Việt Nam có ông nào thu nhập 50 tỷ để đánh thuế. Như thế là đúng và công bằng. Chúng ta sẽ không còn phải phẫn lộ vì những trường hợp thu hàng chục, hàng trăm tỷ nhưng không phải nộp thuế, trong khi đó có những người thu nhập chỉ 13, 15 triệu cũng phải nộp đủ thuế.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: