Người Việt "chán" vàng vì chứng khoán, tiền số hấp dẫn hơn?

27/11/2024
Chuyên gia nhận định, trong những năm tới 2023-2024, kể cả khi lạm phát tăng cao thì vàng cũng chưa chắc giữ được sức hấp dẫn như trước đây. Vàng đang dần mất ưu điểm trong mắt nhà đầu tư, những người trẻ tuổi ưa mạo hiểm đã chọn các kênh sinh lời cao hơn như chứng khoán, tiền kỹ thuật số,...

Trong báo cáo mới đây, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, nhu cầu đối với vàng của người tiêu dùng Việt Nam đạt 3 tấn trong quý 3/2021, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhu cầu tiêu dùng vàng được dự tính dựa trên các yếu tố bao gồm khối lượng đồ trang sức bằng vàng mà người tiêu dùng trong nước đã mua – ghi nhận đạt 1 tấn, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, 2 tấn vàng miếng và tiền xu - một loại sản phẩm vàng vật chất được các nhà đầu tư cá nhân mua vào giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Hội đồng Vàng Thế giới, cho biết, nguyên nhân nhu cầu đối với vàng của người tiêu dùng Việt Nam giảm một nửa trong quý 3 năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu là do việc giãn cách xã hội kéo dài nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Chuyên gia dự báo nhu cầu vàng của người tiêu dùng sẽ bắt đầu tăng sau giãn cách, nhưng mức tiêu thụ vẫn chưa thể quay trở lại như trước đại dịch.

Đóng cửa hôm nay (4/11), giá vàng trong nước ở khoảng 57,85-58,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Trong khi đó, giá vàng thế giới ở mức 1.776 USD/ounce, chỉ tương đương khoảng 49,5 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá VND/USD tại ngân hàng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức 9 triệu đồng/lượng và mức chênh lệch này đã duy trì được vài tháng trở lại đây. Trong khi những năm trước, chênh lệch mới chỉ 4-5 triệu đồng/lượng cũng đã khiến nhiều nhà đầu tư "sốt sắng". 

Còn nhớ thời điểm này năm ngoái, vàng vẫn đang là tâm điểm thị trường trong nước với giao dịch sôi động, giá vàng biến động từ nửa triệu đến vài triệu trong một ngày. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, thị trường vàng trở nên trầm lắng, dù có nhiều dự báo lạm phát tăng mạnh trong thời gian tới.

Chị Liễu (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, từ đầu năm, chị đã bán đi 4 cây vàng ở giá 55 triệu đồng/lượng để đầu tư vào chứng khoán. Việc đầu tư suôn sẻ, một tháng sau, chị tiếp tục rút tiết kiệm ngân hàng thêm 100 triệu đồng để mua cổ phiếu. Từ đó đến nay, đầu tư chứng khoán có lúc lời lúc lỗ, nhưng chị Liễu cho biết chưa có dự định trở lại mua vàng.

Không khó để nhận ra, nhiều người nội trợ như chị Liễu, và nhiều người trẻ khác có xu hướng ưa chuộng các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số hơn là vàng trong thời gian trở lại đây.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Hồng Điệp cho biết, vàng vẫn hay được xem là kênh tài sản trú ẩn khi nền kinh tế xấu đi, chẳng hạn như khi lạm phát cao. Nhưng điều này đã có sự thay đổi lớn trong 1 thập kỷ trở lại đây. Vàng không còn chỉ là kênh trú ẩn nữa mà vàng lúc này được coi là kênh đầu tư và giao dịch.

Tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư cũng xác định vàng vừa là kênh đầu tư và vừa là tài sản trú ẩn trước lạm phát. Thế nhưng, thời gian gần đây, lớp nhà đầu tư trẻ tuổi hiểu rằng, tài sản trú ẩn không chỉ là vàng mà có thể là bất động sản, chứng khoán. Chẳng hạn, nhiều người chọn cổ phiếu là kênh trú ẩn, họ mua cổ phần của một số doanh nghiệp ở giá vốn thấp và nắm giữ trong nhiều năm, coi đó là tài sản, nhận cổ tức hàng năm. Hay tiền kỹ thuật số cũng hấp dẫn nhà đầu tư thời gian qua. 

"Các kênh đầu tư này thay đổi giá mạnh hơn, và rủi ro trên thực tế chưa hẳn đã rủi ro hơn vàng. Bởi trên thế giới, vàng đã là kênh giao dịch, không còn là tài sản trú ẩn và tính rủi ro cũng rất cao. Đặc biệt, giá vàng trong nước hiện nay đang cao hơn với thế giới quá nhiều, điều này dẫn đến tiềm ẩn rủi ro giảm giá, rủi ro thanh khoản", ông Điệp cho biết.

Vàng dần mất ưu điểm trong mắt nhà đầu tư. Những người trẻ tuổi ưa mạo hiểm đã chọn các kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao hơn. Với sự năng động, thông minh và học hỏi, giới trẻ đã chọn chứng khoán, tiền số,…chứ không còn chọn vàng.

Chưa kể, tại Việt Nam, chính sách của Nhà nước đã khiến cho vàng không thể trở thành một công cụ thông dụng, chẳng hạn như không cho phép giữ vàng hộ, gửi vàng tiết kiệm tại ngân hàng,…

Vị chuyên gia cũng cho rằng, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang quá lớn, hiện lên tới 9 triệu đồng/lượng, đương với khoảng 400 USD. Mức chênh lệch lên tới 20% này sẽ tạo ra nhiều rủi ro. Nếu vàng trong nước có sức hút lớn sẽ dễ dẫn đến hiện tượng nhập lậu, ảnh hưởng tới câu chuyện ngoại tệ.

Ông Nguyễn Hồng Điệp nhận định, trong những năm tới 2023-2024, kể cả khi lạm phát tăng cao thì vàng cũng chưa chắc giữ được sức hấp dẫn như trước đây.

Nguồn: