Nguy cơ nợ xấu từ tín dụng chính sách, BOT

23/11/2024
Nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 lên tới 35,2%; dư nợ khoảng 64.676 tỷ đồng của 49 dự án BOT giao thông có nguy cơ phải cơ cấu, chuyển nhóm; nợ xấu tại ngân hàng yếu kém khó xử lý...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng vừa gửi báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết về hoạt động chất vấn, đến Quốc hội.

Báo cáo của Thống đốc cho biết, ngành ngân hàng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp căn cơ, cụ thể nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Từ năm 2016 đến nay, tín dụng đều có mức tăng trưởng dương ngay từ những tháng đầu năm và có mức tăng trưởng bình quân năm trên 16%.

Nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3% (tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2020 là 1,77%).

Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1.076,95 nghìn tỷ đồng nợ xấu (riêng năm 2019 xử lý được 159,7 nghìn tỷ đồng và 3 tháng đầu năm 2020 xử lý được 26,94 nghìn tỷ đồng).

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nợ xấu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể. Nhưng, ở một số chương trình tín dụng đặc thù thì con số tại báo cáo không được lạc quan cho lắm.

Chẳng hạn, với cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67, từ khi nghị định có hiệu lực đến ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng thực hiện ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp), chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 - 2020, với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng. Dư nợ cho vay theo chương trình đến 31/12/2019 đạt 10.028 tỷ đồng.

Hiện nay, nợ xấu cho vay theo chương trình này có xu hướng gia tăng, đặc biệt tăng mạnh từ cuối năm 2018 và đang ở mức cao (35,2%).

Ngoài các nguyên nhân khách quan bất khả kháng dẫn đến ngư dân không trả được nợ vay thì nợ xấu cao, theo Thống đốc còn do: chủ tàu chây ỳ cố tình không trả nợ; năng lực khai thác của chủ tàu yếu kém; ngư trường khai thác không thuận lợi; phương tiện khai thác quá mới và hiện đại nên chủ tàu gặp nhiều khó khăn trong vận hành, kém hiệu quả; nguyên nhân khác.

Thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi cũng là vấn đề ảnh hưởng đến tín dụng.

Theo báo cáo, đến cuối tháng 3/2020, dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn toàn quốc đạt khoảng 53.772 tỷ đồng. Dư nợ bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi là 1.668 tỷ đồng (trong đó chủ yếu là dư nợ cho vay nuôi lợn bị thiệt hại 1.475 tỷ đồng).

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ người chăn nuôi lợn tại 63 tỉnh/thành phố đang có dịch tổng số tiền 1.242 tỷ đồng thông qua các biện pháp: cơ cấu lại thời hạn trả nợ 602 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay 153 tỷ đồng; cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh 465 tỷ đồng; biện pháp khác (ưu tiên thu gốc trước, lãi sau…) 22 tỷ đồng.

Với BT, BOT giao thông, bình quân giai đoạn 2016-2019, dư nợ lĩnh vực này tăng 10,82%, chiếm 1,51%. Đến cuối tháng 3/2020, dư nợ lĩnh vực này tăng 1,27%, chiếm 1,35%.

Hiện nay, có khoảng 49 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 64.676 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và việc thực hiện Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, Thống đốc báo cáo Quốc hội.

Đánh giá chung, Thống đốc cho rằng nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng yếu kém, tuy nhiên chưa thể xử lý nhanh được do nhiều khoản nợ liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh và khả năng trích lập dự phòng rủi ro của một số tổ chức tín dụng còn hạn chế.

Thống đốc cũng nhận định, kinh tế thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, đặc biệt tác động bất lợi từ dịch tả lợn châu Phi, thiên tai, dịch bệnh Covid-19 đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mục tiêu về kiểm soát nợ xấu cũng như các mục tiêu khác đặt ra tại Đề án 1058, tiềm ẩn nợ xấu tăng.

Liên quan đến nợ xấu, trong phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 5/5 vừa qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nếu không có dịch Covid-19 thì mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% theo yêu cầu của Quốc hội sẽ thực hiện được vào cuối năm 2020. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh này, dự báo nợ xấu sẽ ở mức 3,67% và có thể tăng lên phụ thuộc diễn biến của dịch bệnh.

Nguồn: