Nhà đầu tư băn khoăn bán-mua, giá vàng giằng co dưới 1.500 USD/oz

27/11/2024
Sau chuỗi phiên giảm liên tiếp gần đây của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước hiện đang ở vùng thấp nhất trong nửa tháng...

Giá vàng thế giới tăng trong phiên giao dịch thứ Tư tại thị trường New York, chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm trước đó, nhưng lại quay đầu giảm trong phiên châu Á sáng nay (12/9), khiến giá vàng trong nước bị ghìm ở đáy 2 tuần. Giá USD tự do và ngân hàng tiếp tục đi ngang.

Lúc gần 11h trưa, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 41,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,78 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 41,4 triệu đồng/lượng và 41,75 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng hầu như không thay đổi.

Giá bán ra các sản phẩm vàng 999,9 khác cũng lình xình trong khoảng 41,7-41,8 triệu đồng/lượng tùy thương hiệu. Nhẫn tròn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá mua vào là 41,25 triệu đồng/lượng và bán ra là 41,75 triệu đồng/lượng.

Sau chuỗi phiên giảm liên tiếp gần đây của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước hiện đang ở vùng thấp nhất trong nửa tháng và đã truợt khoảng 1,4 triệu đồng/lượng so với đỉnh giá của 7 năm thiết lập vào cuối tháng 8.

Một số nhà kinh doanh vàng nói rằng giá vàng trong nước đang chịu sự chi phối chủ yếu của giá vàng thế giới và khả năng giá vàng trong nước tái lập các mốc giá 42-43 triệu đồng/lượng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến giá vàng thế giới.

Trong khi đó, giá vàng thế giới đang chịu sự tác động của các nhân tố như diễn biến thương chiến Mỹ-Trung, chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), và triển vọng kinh tế toàn cầu.

Sau khi gom mạnh vàng trong tháng 8 để tìm kiếm sự an toàn trong bối cảnh thương chiến leo thang mạnh, giới đầu tư toàn cầu đang chuyển sang mua những tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu. Tâm lý ham thích rủi ro gia tăng trong những phiên gần đây, khi thị trường chứng khoán toàn cầu đi lên và thương chiến chưa có những bước leo thang mới.

Ngày 11/9, Trung Quốc và Mỹ lần lượt có động thái thiện chí với đối phương trước khi bước vào vòng đàm phán thương mại cấp cao vào đầu tháng 10. Sau khi Trung Quốc dỡ thuế quan trả đũa trong vòng 1 năm cho nhiều mặt hàng Mỹ, Tổng thống Donald Trump hoãn 3 tuần kế hoạch áp thuế bổ sung 5% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Theo hãng tin CNBC, dù không còn mua mạnh vàng, nhiều nhà đầu tư đang nắm vàng cũng không muốn bán ra vì lo ngại thương chiến có thể bất ngờ leo thang trở lại. Ngoài ra, kinh tế toàn cầu cũng đang giảm tốc và hạ lãi suất đang là xu hướng trên toàn cầu, tạo môi trường thuận lợi cho vàng tăng giá.

Tâm lý này khiến giá vàng giằng co và chưa thể tái lập mốc 1.500 USD/oz. Diễn biến giá vàng được dự báo có thể rõ nét hơn sau cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 12/9 và cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào tuần tới.

Lúc hơn 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại châu Á đứng ở 1.494,7 USD/oz, giảm 3,2 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Trong phiên Mỹ, giá vàng tăng 11,6 USD/oz, đạt 1.497,9 USD/oz.

Hiện tại, giá vàng thế giới tương đương gần 41,8 triệu đồng lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.175 đồng (mua vào) và 23.200 đồng (bán ra), đi ngang suốt nhiều ngày nay. Ngân hàng Vietcombank cũng duy trì báo giá USD ở mưc 23.140 đồng và 23.260 đồng, tương ứng giá mua và bán.

Nguồn: