"Nhân bánh to hơn", các ngân hàng thắng lớn với kinh doanh ngoại hối

27/11/2024
Trái với thị trường bình lặng, hoạt động kinh doanh ngoại hối của các nhà băng 9 tháng đầu năm nay lại khá sôi động, với việc hàng loạt thành viên báo lãi tăng mạnh.

3/4 quãng đường năm tài chính 2020 đã đi qua. Khác với những năm trước khi tỷ giá USD/VND có những quãng biến động mạnh, tỷ giá trong thời gian qua khá ổn định, duy trì giao dịch quanh 23.090 - 23.270 VND/USD (mua vào – bán ra) trong một thời gian dài.

Trái với thị trường bình lặng, hoạt động kinh doanh ngoại hối của các nhà băng 9 tháng đầu năm nay lại khá sôi động, với việc hàng loạt thành viên báo lãi tăng mạnh.

Khảo sát của BizLIVE tại 21 ngân hàng đã công bố BCTC quý 3/2020 cho thấy, có tới 15 ngân hàng báo lợi nhuận tăng, với mức tăng từ vài chục tới vài trăm % so với cùng kỳ.

Trong đó, TPBank là một trong những ngân hàng ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng mạnh nhất trong kỳ qua với mức tăng tới 468%, từ 25 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019 lên 142 tỷ đồng 9 tháng đầu năm nay. Dù so với tổng thu nhập hoạt động trong kỳ, thu nhập lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối vẫn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn (2%), nhưng sự tăng trưởng đột biến về lợi nhuận trên vẫn cho thấy một tín hiệu khả quan.

Tương tự, SeABank cũng ghi nhận lợi nhuận kinh doanh ngoại hối tăng đột biến từ 15 tỷ lên 49 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng tới 226,7%.

Tại NamABank, lợi nhuận từ mảng này cũng tăng vọt lên 51 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, so với mức chỉ 19 tỷ đồng cùng kỳ.

Các ngân hàng khác như MSB, SHB cũng ghi nhận lợi nhuận mảng kinh doanh ngoại hối tăng trưởng trên 100% trong kỳ qua, ở mức lần lượt 134% và 131,6%.

Về giá trị tuyệt đối, Vietcombank đang là ngân hàng đứng đầu trong nhóm khảo sát với việc đạt 2.963 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ kinh doanh ngoại hối, tăng trưởng 16,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8,6% tổng thu nhập hoạt động của nhà băng.

Đứng thứ hai là VietinBank với lợi nhuận 1.514 tỷ đồng, tăng trưởng 27,3% so với cùng kỳ, đóng góp 4,7% tổng thu nhập hoạt động. Tiếp đến là các ngân hàng lớn như BIDV, Sacombank, MBB,…

Nhân bánh to hơn, các ngân hàng thắng lớn với kinh doanh ngoại hối - Ảnh 1.

Trong mảng kinh doanh ngoại hối, phần lớn lãi thuần đến từ hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay, tức nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra.

Trong 9 tháng qua, dù tỷ giá không có nhiều quãng biến động nhưng chênh giá mua - bán được doãng rộng lên tới khoảng 200 VND, thay vì chỉ chênh 90-120 VND cùng kỳ năm trước; hoặc lùi về nhiều năm trước chênh lệch này chỉ khoảng 70-80 VND. Nay, doãng rất rộng, "nhân bánh" đã lớn hơn trước nhiều, biên lợi nhuận của nhà băng theo đó cũng tăng cao.

Trong khi đó, về lượng, nhu cầu và quy mô giao dịch ngoại tệ của nền kinh tế ngày càng mở rộng trong 9 tháng qua. Điều này được thể hiện cụ thể qua tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đạt gần 389 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ.

Mặt khác, một lượng lớn giao dịch ngoại tệ của các ngân hàng đã được thực hiện với Ngân hàng Nhà nước khi nhà điều hành đẩy mạnh mua vào USD để gia tăng dự trữ ngoại hối .

Trong 9 tháng qua, NHNN đã mua vào thêm khoảng 14 tỷ USD, nâng tổng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục 93 tỷ USD. Quy mô này đồng nghĩa với lượng bán lại, giao dịch qua các ngân hàng thương mại với vai trò trung gian và nắm chênh lệch đáng kể.

Nguồn: