Nhận diện đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

25/11/2024
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang sôi động hơn bao giờ hết, khi các thương vụ phát hành TP của nhiều DN được cởi trói bởi Nghị định 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ, hứa hẹn những bước phát triển mới theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư; từng bước tăng trưởng mạnh về quy mô, giảm gánh nặng huy động vốn cho kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Đang chuyển mình nhanh chóng

So với thị trường cổ phiếu, thị trường TP vốn dĩ không hấp dẫn bằng, bởi lãi suất cố định hay thả nổi theo từng thời kỳ cụ thể. Khác với đầu tư cổ phiếu phải phân tích DN, TP trước khi đầu tư phải đáp ứng các tiêu chuẩn dựa trên cơ sở chất lượng, không dựa trên cơ sở triển vọng của DN.

Việc chọn TP đầu tư phải theo nguyên tắc loại trừ và tuân theo các bài kiểm tra định lượng chi tiết, cũng như các bước tiếp cận thận trọng. Theo tiêu chuẩn của giới đầu tư TP quốc tế, TP ưu tiên thấp là của DN không an toàn.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang đang đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, các NH trung ương thắt chặt chương trình động lượng để hạn chế rủi ro hệ thống. Điều này khiến các chính sách tiền tệ thay đổi, kéo theo tỷ giá biến động mạnh trong giai đoạn 2018-2019.

Với kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt, nhưng do lãi suất, lạm phát hay tỷ giá biến động mạnh, đã cản trở tăng trưởng kinh tế cả nước. Song thị trường chứng khoán (TTCK) sau khi đạt đỉnh 1.200 điểm đầu năm 2018, đã bước vào giai đoạn điều chỉnh lớn về quanh vùng 940-950 điểm giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019.

Còn thị trường TP chính phủ  sau giai đoạn sôi động 2016-2018, đã nhường chỗ cho kênh đầu tư đang bùng nổ là thị trường TPDN. Do vậy làn sóng phát hành TPDN trở thành xu thế, dần bắt kịp sự phát triển của hình thức phát hành TP quốc tế.

Tính đến cuối tháng 5, hơn 60.000 tỷ đồng (2,56 tỷ USD) TPDN được phát hành thành công. Giá trị giao dịch TPDN tăng đột biến kể từ năm 2018 với gần 37.000 tỷ đồng. Trái ngược với diễn biến của thị trường cổ phiếu, thị trường TPDN đang là tâm điểm của giới đầu tư trong và ngoài nước, dư nợ TPDN đạt hơn 100.000 tỷ đồng (chiếm hơn 8% dư nợ trái phiếu quý I-2019).

Tính đến giữa năm 2019 đã có nhiều thương vụ phát hành TPDN thuộc những lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản và NH. Nhóm ngành NH phát hành 17.600 tỷ đồng, trong đó VPBank phát hành 5.600 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 6,4-6,9%, chiếm 32%.

Nhóm bất động sản đứng thứ 2 trong tổng số giá trị phát hành TP, với những thương vụ của CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR), CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII), CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG). Các CTCK cũng tận dụng cơ hội phát hành, phân phối TP đến nhà đầu tư cá nhân và tổ chức như TCBS, VPS, MSI, SSI, VCSC.

Những diễn biến trên cho thấy, thị trường TPDN đang trở thành kênh đầu tư hữu ích và phổ biến tại Việt Nam. Càng ngày càng nhiều DN niêm yết trên các sàn giao dịch HSX, HNX hoặc Upcom, kéo theo số lượng TPDN phát hành càng lớn. Thực tế sẽ chứng minh rằng kênh đầu tư TPDN không chỉ các NHTM, CTCK, nhà đầu tư tổ chức, mà còn cả nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ quan tâm.

Đánh giá viễn cảnh DN phát hành

 Nhà đầu tư cần cảnh giác với các số liệu vốn hóa, giá trị thị trường, dữ liệu kế toán hay bảng cân đối kế toán trong quá trình nghiên cứu dòng tiền của DN, trước khả năng đáp ứng, trả nợ của DN ngay cả trong môi trường kinh tế kém triển vọng. 
Thị trường TPDN có những nguyên tắc, tiêu chuẩn để đầu tư hiệu quả tránh thua lỗ giống như cổ phiếu. Dù vậy, đối với nhà đầu tư, TPDN cũng chỉ là 1 kênh đầu tư bổ sung vào danh mục đầu tư đa dạng. Việc phân bổ tỷ trọng từng tài sản trong từng thời kỳ tùy thuộc vào kinh nghiệm, cũng như trình độ của nhà đầu chuyên nghiệp, nghiệp dư, cá nhân và tổ chức.

Đối với DN dòng tiền từ TPDN ổn định có thể hỗ trợ đòn bẩy cao, đáp ứng được nghĩa vụ trả nợ nặng nề; DN với đòn bẩy hạn chế và yêu cầu nợ khiêm tốn, có thể sống sót qua các biến động nghiêm trọng của dòng tiền. Nhưng kết hợp giữa đòn bẩy cao và dòng tiền không đáng tin cậy có thể khiến DN mất khả năng trả nợ.

Từ thực tế trên, nhà đầu tư cần tiếp cận thông qua việc phân tích ngành, nghiên cứu vị thế DN, khả năng của ban quản trị, hệ số thanh toán lãi vay, cấu trúc vốn, các nguồn thanh khoản thay thế, giá trị thanh lý của DN. Việc nghiên cứu vị thế DN chỉ ra rằng, quy mô hàng đầu trong mỗi ngành nghề, cần phải chú ý.

Thí dụ vị thế đứng đầu lĩnh vực bất động sản của Tập đoàn Vingroup, là yếu tố bảo vệ trước các rủi ro bất ổn, hoặc đánh giá hệ số khả năng thanh toán lãi vay. Nhà đầu tư ngày nay đã quen với việc xem chỉ số thu nhập trên chi phí lãi vay, là bài kiểm tra quan trọng mang tính an toàn trước khi đầu tư. Ngoài ra xem xét cẩn trọng cấu trúc vốn, bởi công ty lớn nhất có thể rất yếu kém nếu khoản nợ TP chiếm tỷ lệ quá lớn.

Tuy nhiên, trước khi đánh giá triển vọng của một TPDN, việc phân tích báo cáo tài chính bao quát không quan trọng bằng vài đánh giá sắc sảo về viễn cảnh DN. Có nghĩa, nhà đầu tư cần áp dụng triệt để các bài kiểm tra định lượng để chứng minh DN có thu nhập trên chi phí lãi vay dư dả, và giá trị hiện tại của DN cao hơn nhiều so với nợ.

Thêm vào đó, nhà đầu tư phải cảm thấy an tâm với đánh giá cá nhân của mình, rằng DN có các đặc điểm để tiếp tục tồn tại và vận hành thành công trong tương lai, hay nói chính xác hơn đặc điểm để khiến thất bại không nhiều khả năng xảy ra. Trong việc lựa chọn TP để đầu tư, đánh giá viễn cảnh của DN phát hành là yếu tố then chốt.

Tiêu chuẩn tốt nhất chúng ta có thể đưa ra nhằm mục đích đánh giá biên bộ tài sản trên số tiền nợ, là chỉ số giá trị thị trường của cổ phiếu vốn trên tổng nợ dài hạn.

Nguồn: