Cuối năm 2019, sau một năm "hái nhiều trái ngọt", ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ bứt tốc mạnh mẽ trong năm 2020, và hầu hết các ngân hàng cũng đều dự tính cho riêng mình các mục tiêu khá tham vọng. Tuy nhiên bước sang năm 2020, đại dịch Covid-19 lại bất ngờ ập đến khiến cho kinh tế toàn cầu, không ngoại trừ Việt Nam, bị ảnh hưởng nặng nề.
Dù chưa bị tác động mạnh và ngay lập tức như các ngành về du lịch, dịch vụ, hàng không, xuất nhập khẩu...song ngân hàng là một ngành cũng được dự báo sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến có khoảng gần 1 triệu tỷ đồng dư nợ bị liên quan đến các doanh nghiệp bị tác động. Trong thời gian qua, toàn ngành đã vào cuộc để chung tay cùng đất nước, doanh nghiệp và người dân giảm thiểu tác động của Covid-19 như cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ...
Một số ý kiến cho rằng, chưa nói đến những tác động khác, chỉ riêng việc giảm lãi suất và phí dịch vụ, lợi nhuận của các ngân hàng cũng sẽ giảm đáng kể trong năm nay. Dẫu vậy, cũng có các ý kiến tin rằng trong thách thức, ngành ngân hàng cũng vẫn còn những cơ hội mà nếu tận dụng tốt thì sẽ đem lại kết quả không hề nhỏ.
Xoay quanh các nhận định về triển vọng ngành ngân hàng trong thời dịch bệnh Covid-19, để thêm góc nhìn đa chiều, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS. TS Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân,
PV: Thưa bà, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm, hoạt động của các ngân hàng sẽ bị những ảnh hưởng gì?
PGS. TS Đỗ Hoài Linh: Hoạt động của ngân hàng liên quan mật thiết với mọi biến động của tổ chức và cá nhân trong xã hội. Do đó, trước diễn biến và mức độ tác động của dịch bệnh Covid-19 được đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp và khó lường, ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động ngân hàng là khó tránh khỏi và trên thực thế những ảnh hưởng đó đã bộc lộ rõ nét.
Thứ nhất, mức độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh khiến cho các hoạt động tác nghiệp cũng như cơ cấu vận hành của tất cả các ngân hàng từ Hội sở đến các chi nhánh/phòng giao dịch đều bị ảnh hưởng. Chỉ cần một thành viên ngân hàng bị nhiễm Covid-19 (F0), hoặc tiếp xúc chủ đích hoặc ngẫu nghiên với người thuộc nhóm F0, có thể khiến hoạt động cả ngân hàng bị ảnh hưởng.
Thứ hai, tăng trưởng dư nợ tín dụng thấp. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng đến 16/3/2020 mới đạt 0,43% so với 31/12/2019, thấp hơn mức tăng 1,52% cùng kỳ năm trước, cũng là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây. Cầu tín dụng giảm do nhu cầu tín dụng của hộ gia đình thấp và các doanh nghiệp hơn.
Thứ ba, lợi nhuận ngân hàng có xu hướng giảm. Điều này là hệ quả tất yếu khi tỷ trọng thu của tín dụng vẫn chiếm đa số trong tổng thu của ngân hàng. Trước việc Ngân hàng nhà nước giảm hàng loạt các mức lãi suất cơ bản, cùng với ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, sẽ làm doanh thu của ngân hàng giảm, dẫn đến làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng.
Thứ tư, xu hướng gia tăng nợ xấu. Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ước tính lên tới 926.000 tỷ đồng. Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, và từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, gia tăng nợ xấu là khó tránh khỏi.
Những ảnh hưởng đó có gây ra những khó khăn gì cho các ngân hàng không, thưa bà?
Chắc chắn là các ngân hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn với những ảnh hưởng gặp phải trên những khía cạnh sau:
Khi ngân hàng có nhân viên nhiễm Covid 19 hoặc thuộc nhóm cách ly, công việc và hoạt động nghiệp vụ của cá nhân bị đình trệ ngay lập tức, từ đó ảnh hưởng đến chuỗi các công việc khác của ngân hàng, ảnh hưởng đến đến tâm lý và hiệu quả làm việc của những nhân viên khác. Ngoài ra, khi thông tin ngân hàng có nhân viên nhiễm Covid 19 hoặc bị cách ly bị lan truyền ra bên ngoài, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của khách hàng giao dịch tại ngân hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân sẽ e ngại khi phải đến tiếp xúc trực tiếp tại ngân hàng, từ đó, các hoạt động nhận gửi tiền/mở tài khoản/mở thẻ/cho vay vốn/và các dịch vụ ngân hàng khác chắc chắn bị ảnh hưởng.
Hiện tại tổng vay tiêu dùng trên dư nợ của Việt Nam là 11,4% tổng dư nợ. Khi tổng chi tiêu của người dân sụt giảm, nhu cầu vay tiêu dùng cũng sẽ giảm tương ứng. Nên trước sự suy giảm chi tiêu của hộ gia đình được ghi nhận ở mức đáng kể là 15%, mục tiêu đạt mốc 1 triệu tỷ đồng cho vay tiêu dùng trong năm 2020, rồi tiến tới mục tiêu xa hơn là nâng tỷ trọng vay tiêu dùng trên dư nợ lên mức 40-50% tổng dư nợ để đạt mức tỷ trọng của các nước phát triển là điều không khả thi.
Ngoài ra, trước ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19, các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất gồm: i) chi phí y tế trong phòng-chống dịch; ii) du lịch, lữ hành, khách sạn; iii) giao thông vận tải; iv) thương mại; (v) đầu tư; (vi) các ngành sản xuất theo chuỗi; và (vi) dịch vụ tài chính. Cùng với đó, dịch bệnh này có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,3-0,5% năm 2020 khiến cho xuất khẩu của chúng ta tiếp tục giảm 20% và nhập khẩu giảm 16% trong quý II, do đó mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 khó có thể đạt được kế hoạch. Trong trường hợp này, nợ xấu toàn hệ thống được dự báo ở mức khoảng 4% trong năm nay.
Vậy các ngân hàng cần có những giải pháp nào để giải quyết những khó khăn đang gặp phải này?
Theo tôi, vấn đề nào cũng có hai khía cạnh, bên cạnh những khó khăn thì dịch bệnh Covid-19 là cơ hội để các ngân hàng kiểm định tính hiệu quả của các chính sách đã xây dựng về quản trị rủi ro, trong đó có rủi ro hoạt động. Là cơ hội để ngân hàng biết được quy trình hoạt động và hệ thống nhân sự hiện tại có vận hành hiệu quả không, có chỗ nào có thể điều chỉnh để tối ưu hóa hơn không. Đặc biệt là về vấn đề nhân sự, khi hiện tại chúng ta luôn bị đánh giá là quốc gia có năng suất lao động thấp, rất nhiều lao động trong bộ máy không có hiệu quả, nên đây sẽ là thời cơ để các ngân hàng xác định được ai là nhân sự tốt, nhân sự nào có thể cắt giảm, từ đó tối ưu hóa được chi phí hoạt động.
Thứ hai, đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số ngân hàng. Việc số hóa từ văn bản, thủ tục, phương thức làm việc, phương thức giao dịch trong nội bộ cũng như với khách hàng qua giai đoạn dịch bệnh này được nhìn nhận là việc làm hết sức cấp thiết. Đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống big data và nhanh chóng đưa vào sử dụng các sản phẩm ngân hàng số, các giao dịch ngân hàng điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực trong nhóm ngân hàng bán lẻ phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ để giảm giao dịch trực tiếp với nhóm khách hàng này cũng là việc ưu tiên thực hiện.
Thứ ba, việc giảm tăng trưởng tín dụng là cơ hội tốt để các ngân hàng điều chỉnh danh mục cho vay, thậm chí hướng tới điều chỉnh danh mục tài sản tiến tới giảm tỷ trọng tín dụng, tăng các tài sản phi tín dụng, mặc dù đây là điều không hề dễ dàng vì tín dụng luôn được coi là tài sản cơ bản nhất của kinh doanh ngân hàng nhưng nó cũng mang lại nhiều tổn thất nhất nếu rủi ro tín dụng xảy ra. Do đó, giảm tỷ trọng tín dụng, giảm thu lãi từ tín dụng, tăng tỷ trọng các hoạt động dịch vụ từ đó tăng thu từ những hoạt động phi tín dụng luôn là mục tiêu của nhiều ngân hàng.
Thứ tư, để giảm thiểu nợ xấu, các ngân hàng cần kiên trì tuân thủ các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng vay vốn tại ngân hàng. Việc này sẽ khiến các ngân hàng phải hi sinh mục tiêu lợi nhuận đã đặt ra, nhưng chung lưng cùng doanh nghiệp và cá nhân đang gặp khó khăn vì Covid-19 sẽ giúp họ sớm phục hồi hoạt động, từ đó, không chỉ khách hàng mà cả ngân hàng và nền kinh tế sẽ hồi phục bền vững. Ngược lại, nếu ngân hàng theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, không duy trì những chính sách hỗ trợ khách hàng khi họ đang gặp khó khăn thì có thể ngân hàng và cả nền kinh tế sẽ phải rất mệt mỏi để giải quyết bài toán phải xử lý nợ xấu trong nhiều năm hậu dịch.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
Nguồn: