Tại đại hội cổ đông tổ chức mới đây, cổ đông VIB thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên đến 30%. Con số tham vọng này khiến nhiều cổ đông bất ngờ bởi trong năm 2021, tăng trưởng tín dụng của VIB chỉ đạt hơn 19% và không hoàn thành kế hoạch đề ra.
Lý giải về điều này, đại diện VIB cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 30% và có lưu ý là phụ thuộc vào room mà Ngân hàng Nhà nước cấp. Tuy nhiên mức 30% được Ngân hàng đề ra là phù hợp với năng lực phát triển, khả năng quản trị rủi ro cùng kỳ vọng ngân hàng nhà nước sẽ cấp room tín dụng. Trên thực tế, VIB có thể thực hiện cao hơn mức này, vì trong quá khứ, đã có những năm VIB tăng trưởng đến 34%.
Không chỉ VIB, một loạt ngân hàng khác cũng dự kiến tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2022.
Cập nhật về tình hình kinh doanh MB, Tổng giám đốc Lưu Trung Thái cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% và kỳ vọng sẽ được nới thêm trong thời gian tới. Trong năm 2022, MB có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến. Trong năm trước, tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt 25%.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng của MB tính đến thời điểm hiện tại vào khoảng 10%, tương đối nhanh so với hạn mức được cấp. Với mức tăng trưởng trên, ông Lưu Trung Thái – Tổng Giám đốc MB dự kiến lợi nhuận hợp nhất quý 1 sẽ đạt khoảng 5.500 tỷ và con số thực hiện trong 2 tháng đã bám sát mục tiêu này.
Trong giai đoạn 2022 – 2026, ngân hàng này dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức bình quân 17%/năm. Qua đó, ngân hàng phấn đấu đạt doanh thu 120.000 tỷ đồng (tương đương tăng 24%/năm) và lợi nhuận 45.000 tỷ đồng (tương đương tăng 21%/năm) vào năm 2026.
HDBank cũng dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2022 sẽ khoảng 20% hoặc cao hơn tùy theo phê duyệt của NHNN. Chia sẻ tại hội nghị đầu tư quốc tế mới đây, lãnh đạo nhà băng này cho biết tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm đã đạt khoảng 7%, chất lượng tài sản và các chỉ tiêu an toàn vốn, thanh khoản đều ở mức tốt. Bên cạnh đó nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của khách hàng đang tăng cao trở lại nên kế hoạch tăng trưởng tín dụng trên 20% hoàn toàn khả thi.
Năm 2022, OCB đặt mục tiêu dư nợ cho vay thị trường 1 tăng trưởng 25% lên 129.493 tỷ. Trước đó, tăng trưởng tín dụng năm 2021 của ngân hàng này chỉ đạt mức 15%. Với kỳ vọng trên, ngân hàng dự kiến lợi nhuận sẽ đạt mức kỷ lục hơn 7.100 tỷ đồng, tăng 29%.
Tại MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng ngân hàng năm 2022 sẽ đạt 20-25% tùy vào phê duyệt của NHNN, nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 1,5%. Trước đó, MSB ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao trên 20% trong năm 2021 giúp lợi nhuận đạt kỷ lục 5.088 tỷ đồng, gấp đôi năm trước.
Ông Linh cho biết, lý do MSB được NHNN phê duyệt "room" tín dụng cao trong năm 2021 và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì cao trong năm 2022 chính là nhờ vào việc đáp ứng các tiêu chuẩn về quản trị rủi ro, CAR, đồng thời hướng dòng vốn tín dụng vào các ngành nghề ít rủi ro và tham gia hỗ trợ vào các chính sách chung của NHNN trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Tại VPBank, ngân hàng dự kiến tăng trưởng dư nợ tín dụng 18-20% tính riêng tại ngân hàng mẹ. Trong năm 2022, lãnh đạo VPBank cũng kỳ vọng hoạt động kinh doanh tăng trưởng nhờ sự phục hồi của khách hàng, đặc biệt là tại FE Credit.
Giới phân tích dự báo, tín dụng sẽ bật tăng trong năm 2022 khi Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn với Covid-19, các hoạt động của nền kinh tế được kỳ vọng mở cửa hoàn toàn trở lại, trong khi Chính phủ thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch thông qua cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.
‘’Nhu cầu tín dụng năm 2022 sẽ tiếp tục ở mức cao và có thể tăng 14%, được hỗ trợ bởi việc tiếp tục hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh. Ngoài ra, gói hỗ trợ ước tính 350.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới cũng góp phần giúp tăng trưởng tín dụng’’, Chứng khoán BSC nhận định.
Thực tế, tăng trưởng tín dụng đã cho thấy những dấu hiệu tích cực ngay trong những tháng đầu năm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước tín dụng tính đến ngày 25/2 tăng 2,52% so với cuối năm 2021. Con số này trong 2 tháng đầu năm 2021 chỉ là 0,66%.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của NHNN được thực hiện vào tháng 12/2021, các tổ chức tín dụng ước tính, tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 5,3% trong quý I và dự báo tăng 14,1% cả năm 2022. Mức tăng trưởng này tương đối sát với kế hoạch điều hành của Ngân hàng Nhà nước đưa ra hồi đầu năm.
https://cafef.vn/nhieu-ngan-hang-du-kien-tang-truong-tin-dung-dot-bien-trong-nam-2022-20220324225410861.chnNguồn: