Cách đây 5 năm, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng lộ trình triển khai và áp dụng Basel II đối với hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), và lựa chọn 10 ngân hàng để thí điểm áp dụng trước. Theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN, từ năm 2020, các ngân hàng sẽ phải chính thức áp dụng và tuân thủ quy định về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo tiêu chuẩn của Basel II.
Song đến hiện tại, mới chỉ có 16 trong số hơn 30 ngân hàng nội và 2 ngân hàng ngoại chính thức được NHNN chấp thuận áp dụng Thông tư 41. Cụ thể 16 ngân hàng nội bao gồm: Vietcombank, VIB, OCB, TPBank, ACB, Techcombank, VPBank, MB, HDBank, VietBank, VietCapitalBank, MSB, SeABank, LienVietPostBank, NamABank, BIDV và 2 ngân hàng ngoại: Shinhan Bank, Standard Chartered Việt Nam.
Số lượng ngân hàng còn lại vẫn rất nhiều. Và thực tế cho thấy việc để toàn bộ các ngân hàng có thể áp dụng được Basel II trong ngày một ngày hai là điều không thể vì còn quá nhiều khó khăn. Do đó tại Thông tư 22/2019 ban hành mới đây, NHNN đã cho phép các ngân hàng chưa tuân thủ được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại Thông tư 41/2016 lùi thời gian áp dụng đến thời điểm trước ngày 1/1/2023. Đây cũng là lần thứ 2 NHNN phải hoãn áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng theo Basel II. Lần thứ nhất vào năm 2018 khi NHNN đưa ra lộ trình áp dụng thí điểm cho 10 ngân hàng.
Nhìn lại quá trình đi đến Basel II, dù Thông tư 41 được đưa ra cách đây 5 năm nhưng các ngân hàng Việt mới chỉ bắt đầu đáp ứng Thông tư này từ đầu năm 2019. Những ngân hàng đầu tiên "tốt nghiệp" Basel II tại Việt Nam là Vietcombank và VIB, được NHNN tổ chức lễ công nhận vào tháng 11/2018 và chính thức áp dụng từ 01/01/2019. Tiếp sau đó, từ đầu năm 2019 tới cuối tháng 12 có thêm 16 nhà băng nữa. Đại đa số các ngân hàng này đáp ứng được Thông tư 41 tức là mới hoàn thành trụ cột I trong khi Basel II có đến 3 trụ cột, với trụ cột II là khó khăn nhất. Đến thời điểm này mới chỉ có VIB là ngân hàng duy nhất đã hoàn thành cả 3 trụ cột.
Nguồn: Cafef
Trong 10 ngân hàng thuộc diện thí điểm thì vẫn còn 2 ngân hàng lớn chưa áp dụng Thông tư 41 là VietinBank và Sacombank. Trong đó, Sacombank nhiều khả năng sẽ sớm có thông tin chính thức, khi ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT ngân hàng mới đây cho biết, Sacombank đã sẵn sàng ứng dụng Basel II vào hoạt động, triển khai Thông tư 41 theo đúng lộ trình mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ ngày 1/1/2020.
Ngược lại, VietinBank phải còn một quá trình tương đối dài để chạm đến được Basel II. Vướng mắc lớn nhất tại "ông lớn" ngân hàng này là vấn đề tăng vốn.
Trong một lần trả lời báo chí hồi đầu tháng 12, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc tăng vốn cho VietinBank và Agribank là hết sức quan trọng. Và theo lời của bà Hồng, theo đánh giá của NHNN, các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước trên 50% như Agribank đang có tỷ lệ an toàn vốn sát ngưỡng quy định Thông tư 41.
Còn lãnh đạo VietinBank từng chia sẻ hồi đầu năm 2019, nếu tính CAR theo Thông tư 41 thì tỷ lệ an toàn vốn của nhà băng này đã xuống dưới ngưỡng 8%.
Việc tăng vốn tại Agribank và VietinBank gặp khó khăn vì chưa bố trí được ngân sách để tăng vốn. Những cách còn lại như phát hành riêng lẻ, chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng chưa thể thực hiện. Trong khi Agribank chưa cổ phần hóa thì tại VietinBank tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã sát trần 30%.
Ngoài VietinBank, Agribank thì còn hơn 10 ngân hàng nữa sẽ phải tìm cách đáp ứng được Basel II trong 2 năm nữa, trong đó chủ yếu là ngân hàng nhỏ. Nếu như VietinBank và Agribank không tăng được vốn do các vướng mắc về chính sách thì hàng loạt ngân hàng tầm trung, ngân hàng nhỏ không tăng được vốn vì hoạt động kinh doanh chậm và chưa thu hút được nhà đầu tư. Bên cạnh đó, một số ngân hàng có tỷ trọng cho vay lớn đối với các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao sẽ khiến cho việc tái cơ cấu bảng cân đối trở nên khó khăn.
Rõ ràng dù đã được NHNN "nhân nhượng" thêm 2 năm nữa, song việc tăng vốn để đáp ứng Basel II với các ngân hàng vẫn là một tương lai khá xa với các nhà băng như Saigonbank, BaoVietBank,…bởi dù có các kế hoạch tăng vốn nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Thậm chí một số chuyên gia còn cho rằng, các ngân hàng nhỏ nếu không tìm được đối tác để tăng vốn thì có thể tính đến phương án sáp nhập với một ngân hàng lớn hơn.
Nguồn: