NHNN cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, nhưng cho vay cầm cố bằng vàng SJC còn rủi ro hơn

27/11/2024
Tương tự cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, cho vay cầm cố vàng cũng có thể tạo ra nhiều vòng chu chuyển tiền, làm tăng ảo số dư huy động và cho vay. Nhưng vay cầm cố vàng đang đơn giản hơn so với cầm cố sổ tiết kiệm.

Qua công tác thanh tra, giám sát cho thấy có hiện tượng một số Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016. Ngày 06/09/2019 NHNN đã ban hành công văn số 7031/NHNN-TTGSNH về việc cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay. Bên cạnh việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, thực tế các TCTD còn cho vay cầm cố vàng với rủi ro gấp nhiều lần.

Vì sao khách hàng vẫn muốn vay cầm cố vàng?

Thứ nhất, thói quen tích trữ vàng làm tài sản đã tồn tại ở nước ta từ rất lâu. Và trước khi các ngân hàng thương mại ra đời ở Việt Nam thì giao dịch cầm cố vàng đã hình thành nhiều thế kỷ trước. Hiện nay, các tiệm cầm đồ, tiệm vàng vẫn thực hiện cầm cố vàng với lãi suất dao động khoảng 3%/tháng. Vì vàng là một kim loại quý, tính thanh khoản cao nên các ngân hàng thương mại cũng xem đây là tài sản đảm bảo có tính an toàn để cho vay cầm cố vàng (thường các ngân hàng chỉ chấp nhận cho vay cầm cố đối với vàng miếng SJC).

Thứ hai, những khách hàng vay cầm cố vàng thường có nhu cầu vốn ngắn hạn, nhưng không muốn bán vàng mà vẫn muốn giữ vàng để chờ giá tốt hơn. Mục đích sử dụng vốn cũng rất đa dạng như: vay để tiêu dùng, để mua bán vàng, ngoại tệ (thường là các chủ tiệm vàng), hoặc để cho vay lại (đối với tiệm cầm đồ) hoặc để đáo hạn ngân hàng có thu phí cho khách hàng khác,...Nhưng đặc biệt cũng có trường hợp vay cầm cố vàng để...mua vàng miếng theo kiểu đầu cơ chờ giá lên để bán.

Thứ ba, hiện nay NHNN đã cấm huy động vàng, nhiều ngân hàng không còn dịch vụ giữ hộ vàng nên việc cất trữ vàng ở nhà rất rủi ro, nhất là trong điều kiện an ninh ngày càng phức tạp. Vì thế, có nhiều trường hợp ngoài việc có nhu cầu vay vốn để tiêu dùng hoặc sử dụng vào các mục đích khác như đã nêu ở trên, khách hàng vẫn muốn gửi vàng tại ngân hàng để đảm bảo an toàn. Và trên thực tế kể cả khi đã tất toán khoản vay, có khách hàng cũng không muốn lấy tài sản đảm bảo là vàng về vì vừa an toàn và không phải mất phí như hình thức gửi giữ hộ.

Thứ tư, vay cầm cố vàng thủ tục nhanh hơn và linh hoạt hơn so với vay cầm cố sổ tiết kiệm. Vì vay cầm cố sổ tiết kiệm phải chính chủ sổ tiết kiệm đứng tên vay hoặc bảo đảm nghĩa vụ cho người khác vay. Trường hợp sổ tiết kiệm do ngân hàng khác phát hành còn phải mất thời gian làm thủ tục xác minh, phong tỏa tại ngân hàng phát hành. Nhiều trường hợp các ngân hàng lớn (ngân hàng có vốn nhà nước chi phối) không chấp nhận cho vay cầm cố sổ tiết kiệm do các ngân hàng nhỏ phát hành. Trong khi với vay cầm cố vàng SJC, theo kinh nghiệm của tác giả và nhiều cán bộ ngân hàng cho biết, thường không bắt buộc chính chủ sở hữu đứng tên vay mà có thể giao vàng cho người khác thực hiện vay và không vướng thủ tục phong tỏa.

Thứ năm, đối với các tiệm vàng thường ít khi cầm cố sổ tiết kiệm. Vì đặc thù hàng hóa kinh doanh của các tiệm vàng là vàng, nên khi cần tiền để đảm bảo thanh khoản mua bán vàng với khách hàng, các tiệm vàng vẫn chuộng phương án vay cầm cố vàng để có dòng tiền thanh toán cho khách hàng. Với các tiệm vàng, họ phải tính toán giá mua vào, giá bán ra sao cho tối đa hóa lợi nhuận nên việc chọn vay cầm cố vàng tại ngân hàng là hình thức lựa chọn phù hợp hơn là mua đứt bán đoạn (Cụ thể: khi có khách hàng bán cho tiệm vàng 100 lượng vàng SJC với giá 4.180.000 đồng/lượng. Nhưng tiệm vàng không có đủ tiền để thanh toán cho khách hàng. Lúc này, tiệm vàng có 2 hướng xử lý: một là đem 100 lượng vàng đó đến ngân hàng để bán với giá giả sử là 4.190.000 đồng/lượng và hưởng chênh lệch 10.000 đồng/lượng hoặc có thể cầm 100 lượng vàng đó để vay cầm cố tại ngân hàng để có tiền thanh toán cho khách hàng và kỳ vọng chờ giá vàng lên mới bán).

Thứ năm, một lý do nữa tưởng chừng vô lý nhưng lại đúng trong câu chuyện này. Đó là dường như NHNN chỉ quan tâm cảnh báo, rà soát việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm của các TCTD mà chưa quan tâm đến câu chuyện cho vay cầm cố vàng. Và sau cảnh báo từ văn bản số 7031/NHNN-TTGSNH của NHNN, các ngân hàng bắt đầu dè dặt hơn việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Và liệu việc cho vay cầm cố vàng có thể trở thành một trong những giải pháp để các TCTD "lách" nội dung cảnh báo của NHNN?

Cho vay cầm cố vàng: rủi ro hơn sổ tiết kiệm

Một là, tương tự cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, cho vay cầm cố vàng cũng có thể tạo ra nhiều vòng chu chuyển tiền, làm tăng ảo số dư huy động và cho vay. Nhưng ở đây, nếu khách hàng cầm cố vàng để vay, sau đó gửi tiết kiệm và cứ tiếp tục vòng quay vay cầm cố sổ tiết kiệm nhiều lần thì nguồn tiền của quyển sổ tiết kiệm đầu tiên được hình thành lại không phải là "tiền tươi thóc thật" mà là nguồn tiền được hình thành từ việc vay cầm cố vàng!

Hai là, do tính linh hoạt của vàng và không vướng các thủ tục phong tỏa, giải tỏa như sổ tiết kiệm, việc quản lý tài sản cầm cố là vàng của các ngân hàng tiềm ẩn rủi ro nhiều hơn so với cho vay cầm cố sổ tiết kiệm (xét về mặt quản lý tài sản đảm bảo).

Ba là, rủi ro về biến động tỷ giá, như trong giai đoạn vừa qua từ ngưỡng dưới 38 triệu đồng/lượng đã vượt mốc 42 triệu đồng/lượng. Ở chiều ngược lại, nếu tỷ giá vàng đi xuống, đồng nghĩa với giá trị tài sản đảm bảo của các ngân hàng bị giảm. Đương nhiên, các ngân hàng cũng đã tính toán một tỷ lệ an toàn, đảm bảo biến động tỷ giá vàng khi cho vay cầm cố vàng. Nhưng nếu so với đảm bảo bằng sổ tiết kiệm, thì vàng vẫn rủi ro hơn về việc bảo toàn giá trị tài sản đảm bảo để thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Bốn là, việc cầm cố vàng có rủi ro vàng giả, vàng nhái nhiều hơn là sổ tiết kiệm. Vì vàng SJC hiện nay được bảo quản trong bao bì ép nhựa, nên việc xác định độ tuổi, vàng thật, vàng nhái…là không thể đảm bảo 100% được. Các yếu tố bảo an, dấu hiệu nhận biết vàng thật SJC không đảm bảo sự an toàn cho các ngân hàng tuyệt đối. Còn đối với sổ tiết kiệm, nếu các ngân hàng thực hiện đúng quy trình về phong tỏa, xác minh sổ tiết kiệm trước khi giải ngân thì rất khó có trường hợp sổ tiết kiệm giả.

Năm là, cũng giống như cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, cho vay cầm cố vàng thường là khách hàng không đảm bảo mục đích sử dụng vốn theo quy định. Thậm chí có trường hợp vay cầm cố vàng để mua vàng miếng nhưng đâu đó vẫn được một số ngân hàng thực hiện (cho vay mua vàng miếng là hành vi bị cấm theo Thông tư số 39/2016). Bằng cách này hay cách khác, các TCTD cũng có cách để hợp thức hóa chứng từ sử dụng vốn cho các trường hợp cho vay cầm cố vàng SJC.

Sáu là, hiện nay chủ trương của NHNN là không khuyến khích người dân giữ vàng mà muốn đưa vàng thành nguồn vốn vào lưu thông phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp bình ổn thị trường vàng. Trong những năm qua, NHNN đã thực hiện tốt vấn để kiểm soát, bình ổn thị trường vàng. Tuy nhiên, nếu việc cho vay cầm cố vàng được thực hiện một cách khá dễ dàng như hiện nay, tính thanh khoản của vàng càng cao, rất có thể nảy sinh tâm lý mua vàng để tích trữ và chờ giá lên thay vì gửi tiết kiệm. Vì như đã nói ở trên, khi mà cho vay cầm cố sổ tiết kiệm được cảnh báo và kiểm soát chặt chẽ hơn thì vàng miếng SJC chính là tài sản thuận tiện nhất để vay cầm cố.

Nguồn: