Nhờ đâu ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối?

25/12/2024
Chênh lệch giá mua - bán USD rộng, vàng biến động liên tục cùng việc Ngân hàng nhà nước mua vào ngoại tệ đã giúp hầu hết các nhà băng ghi nhận lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối trong 9 tháng 2020...

ĐỒNG LOẠT LÃI LỚN TỪ KINH DOANH NGOẠI HỐI

Thống kê 17 ngân hàng đầu tiên (chưa có các ngân hàng lớn như Vietinbank, BIDV, Agribank, Eximbank, Techcombank) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 cho thấy, có đến 14 tổ chức báo lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối, tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng trưởng thậm chí tính bằng lần.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (mã: VCB, Vietcombank) tiếp tục là ngân hàng mạnh trong lĩnh vực kinh doanh ngoại hối khi ghi nhận 2.963 tỷ đồng lãi thuần trong 9 tháng đầu năm 2020, riêng trong quý 3 đóng góp 1.034 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 16,9% và 14% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tin (mã: STB, Sacombank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (mã: MBB, MB), mặc dù trong quý 3/2020 ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm nhẹ, nhưng tính chung 9 tháng Sacombank và MB ghi nhận mức tăng trưởng lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối lần lượt 32% và 9,8% với giá trị 558 tỷ đồng và 518 tỷ đồng.

Nhờ đâu ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối? - Ảnh 1.

Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính Quý 3/2020 các ngân hàng

Nằm trong top các ngân hàng có lãi lớn từ hoạt động kinh doanh ngoại hối còn có Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) với lãi thuần ghi nhận cho kỳ 9 tháng đạt lần lượt 488,5 tỷ đồng; 342,3 tỷ đồng và 227,3 tỷ đồng. Trong đó, ABBANK ghi nhận mức lãi thuần tăng đột biến ở cả quý 3 và 9 tháng đầu năm, lần lượt 51% và 147% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, trong nhóm các ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối lớn còn có Ngân hàng SCB với lãi thuần từ kinh doanh chứng khoán và kinh doanh ngoại hối 9 tháng đạt hơn 462 tỷ đồng.

Xét về tăng trưởng, 5 ngân hàng có tăng trưởng lãi thuần kinh doanh ngoại hối trong 9 tháng đầu 2020 tính bằng lần gồm: TPBank (+4,7 lần), Saigonbank (+2,75 lần), Seabank (+2,27 lần), ABBANK (+1,47 lần), MSB (+1,33 lần).

Chỉ có 3 ngân hàng ghi nhận hoạt động kinh doanh ngoại hối bị lỗ trong 9 tháng gồm VPBank (-220 tỷ đồng), VIB (-6,8 tỷ đồng) và BacA Bank (-6,2 tỷ đồng). Dù vậy, VIB và BacA Bank đã có lãi tăng mạnh trong quý 3/2020 lần lượt ghi nhận lãi 21 tỷ đồng (so với cùng kỳ lỗ -28,6 tỷ đồng) và 7,4 tỷ đồng (so với cùng kỳ lỗ -4,2 tỷ đồng).

Nhờ đâu ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối? - Ảnh 2.

Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính quý 3/2020 các ngân hàng

3 LỢI THẾ 

Thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của các tổ chức tín dụng thường gồm: thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay, thu từ kinh doanh vàng và thu từ các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ. Riêng mục thu từ kinh doanh vàng chỉ xuất hiện ở các tổ chức được cấp phép kinh doanh vàng miếng như Sacombank, ACB, SCB, MB, VPBank…, không có ở Vietcombank do Vietcombank không có phép kinh doanh vàng miếng.

Thuyết minh báo cáo tài chính quý 3 và 6 tháng xoát xét năm 2020 cho thấy, kinh doanh vàng và kinh doanh ngoại tệ giao ngay đã đóng góp chính kết quả tăng trưởng đột biến trong 9 tháng đầu năm 2020 đối với hoạt động kinh doanh ngoại hối của các tổ chức.

Các tổ chức có được lãi từ kinh doanh công cụ tài chính phái sinh tiền tệ rất ít. Đơn cử như VPBank, mặc dù 2 hoạt động kinh doanh vàng và kinh doanh ngoại hối giao ngay có lãi nhưng kinh doanh các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ bị lỗ đã kéo theo kết quả lỗ thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối đến 220 tỷ đồng.

Nhờ đâu ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối? - Ảnh 3.

Diễn biến giá vàng từ đầu năm 2020

Các nhà phân tích cho rằng, chênh lệch giá mua bán USD trong 9 tháng đầu năm 2020 rộng hơn cùng kỳ năm trước đã giúp các ngân hàng đạt được biên lợi nhuận cao hơn trong mỗi giao dịch. Ngoài ra, khối lượng giao dịch trong kỳ tăng so với 9 tháng đầu năm 2018.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, chệnh lệch giá mua – bán USD  tại các ngân hàng khá rộng 160-220 đồng/USD, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 chỉ ở mức 100 – 120 đồng/USD. Hơn nữa, chênh lệch giá mua vào USD của các ngân hàng và giá bán USD của các ngân hàng cho Ngân hàng Nhà nước (tỷ giá Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước) khoảng 25 – 85 đồng/USD.

Trong 9 tháng đầu năm, NHNN đã mua vào khoảng 12-13 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối lên mức 92 tỷ USD. Khối lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua vào trong 9 tháng đầu năm 2020 ước tính bằng khối lượng mua vào cả năm 2019.

Ngoài ra, nghiệp vụ SWAP ngoại tệt trong bối cảnh tỷ giá VND/USD ổn định, lãi suất tiền gửi bằng đồng USD là 0% cũng góp phần vào lợi nhuận cho các ngân hàng.

Một yếu tố quan trọng nữa, 9 tháng năm 2020 giá vàng liên tục có nhiều đợt biến động và tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019, đã có lúc vàng vượt mức 62 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 50% so với đầu năm đã mang đến cơ hội vàng gia tăng lợi nhuận cho các ngân hàng được phép kinh doanh vàng miếng. Bởi thị trường vàng càng sôi động, giá vàng càng biến động các tổ chức kinh doanh vàng càng lãi lớn.

Nguồn: