Nhờ Trầm Bê, "siêu lừa" chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng

17/12/2024
Dù biết 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đủ điều kiện làm tài sản thế chấp nhưng ông Trầm Bê vẫn tạo điều kiện cho một chủ doanh nghiệp vay hàng trăm tỉ đồng.

Dự kiến ngày 23-7, TAND TP HCM sẽ xét xử vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", xảy ra ở Ngân hàng TMCP Phương Nam (sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank - từ năm 2015). Trong đó, Dương Thanh Cường hầu tòa về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Liên quan đến vụ án, ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam) cùng 8 thuộc cấp hầu tòa về tội "Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Hai ngân hàng cùng nhận thế chấp 10,5 ha đất

Theo cáo trạng, sai phạm của 10 bị cáo đã khiến ngân hàng thất thoát hơn 505 tỉ đồng. Cụ thể, 2 doanh nghiệp gồm: Công ty CP Xây dựng và Thương mại Bình Phát (gọi tắt là Công ty Bình Phát) và Công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng và Thương mại Thanh Phát (gọi tắt là Công ty Thanh Phát) đều do Dương Thanh Cường thành lập và trực tiếp điều hành. Tháng 10-2007, Cường lấy danh nghĩa Công ty Thanh Phát mua 10,5 ha đất nông nghiệp (thuộc 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - GCNQSDĐ) tại xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP HCM) với ý định đầu tư dự án. Đến năm 2008, Ban Quản lý khu Nam TP HCM không chấp thuận việc Cường xây dựng dự án vì khu đất 10,5 ha nằm trong khu quy hoạch. Lúc này, Cường mang 23 GCNQSDĐ đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh 6 (Agribank CN 6) thế chấp vay 628 tỉ đồng.

Dù biết rõ thông tin quy hoạch, khu đất trên đã có quyết định thu hồi nhưng Dương Thanh Cường tiếp tục nại ra lý do hòng mượn lại 23 GCNQSDĐ và các hợp đồng chuyển nhượng từ Agribank CN 6. "Xin mượn toàn bộ 23 GCNQSDĐ để trình UBND TP HCM phê duyệt dự án, thời gian mượn là 30 ngày" - đó là lý do Cường "vẽ" ra. Kết quả, Agribank CN 6 đồng ý giao lại 23 GCNQSDĐ cùng hợp đồng chuyển nhượng.

Từ tháng 4 đến tháng 6-2009, Cường dùng 23 GCNQSDĐ làm tài sản bảo đảm tại Ngân hàng TMCP Phương Nam. Thông qua 3 hợp đồng tín dụng, Cường vay trót lọt hơn 185 tỉ đồng dù hồ sơ tín dụng toàn những thông tin gian dối về tình hình tài chính, khả năng trả nợ cũng như thực trạng pháp lý của 23 tài sản bảo đảm.

 Nhờ Trầm Bê, siêu lừa chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng  - Ảnh 1.

Ông Trầm Bê (giữa) đã giúp “siêu lừa” Dương Thanh Cường chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng


Hậu thuẫn từ ông Trầm Bê

Ba hợp đồng vay vốn sai luật trầm trọng nói trên có thể qua nhiều cửa thẩm định, phê duyệt phải kể đến sự hậu thuẫn từ lãnh đạo Ngân hàng TMCP Phương Nam thời điểm đó, cụ thể là ông Trầm Bê.

Đầu tháng 4-2008, Dương Thanh Cường đến gặp ông Trầm Bê (khi đó là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam), mang theo bản sao 23 GCNQSDĐ. Hai bên thống nhất việc vay vốn với tài sản bảo đảm là giấy tờ 10,5 ha đất nông nghiệp ở xã Phong Phú. Ông Trầm Bê đồng ý việc Cường vay tiền với điều kiện hồ sơ tín dụng đầy đủ giấy tờ, có tài sản thế chấp. Sau đó, ông Trầm Bê giao sở giao dịch thẩm định hồ sơ vay vốn.

Cơ quan công tố kết luận hội đồng tín dụng và sở giao dịch ngân hàng có hành vi trái pháp luật trong việc lập, thẩm định hồ sơ, phê duyệt cho vay, giải ngân, kiểm tra, giám sát vốn vay đối với 3 hợp đồng tín dụng. Trong đó, ông Trầm Bê thừa nhận bản thân ký văn bản đồng ý việc sở giao dịch thông qua hồ sơ vay do Công ty Bình Phát đứng tên trước khi thực hiện thủ tục công chứng nhà nước, đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản thế chấp. Ngoài ra, ông Trần Bê lúc đó biết rõ doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, tài sản bảo đảm là đất nông nghiệp chưa sang tên chủ sở hữu. Đó là vi phạm quy chế về cho vay do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Sai phạm do Trầm Bê cùng 8 thuộc cấp gây ra khiến ngân hàng thiệt hại hơn 505 tỉ đồng, tính cả lãi suất các khoản vay Dương Thanh Cường còn nợ.

Cơ quan điều tra kết luận việc Công ty Thanh Phát nhận chuyển nhượng 23 GCNQSDĐ từ các hộ dân là không đúng quy định pháp luật. Vì vậy, cơ quan chức năng không thể chuyển giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất sang tên Công ty Thanh Phát. Theo kết quả giám định, 10,5 ha đất ghi trên 23 GCNQSDĐ có giá trị hơn 582 tỉ đồng (tính tại thời điểm năm 2017).

Siêu lừa!

Với vô vàn "thành tích", Dương Thanh Cường đang thi hành nhiều bản án hình sự. Năm 1996, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phạt Cường 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân", "Trốn thuế" (theo quy định thời điểm đó, tù có thời hạn không quá 20 năm tù). Trong năm đó, Dương Thanh Cường còn bị TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt 10 năm tù về tội "Đưa hối lộ".

Năm 2015, Cường lãnh thêm 13 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 6 tháng tù giam về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức". Một năm sau, TAND cấp cao tại TP HCM phạt Cường mức án chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Cường còn lãnh án chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong một vụ án khác. Năm 2018, TAND TP HCM phạt Dương Thanh Cường 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Nguồn: