Nhộn nhịp những dòng tiền lớn và một ẩn số

05/12/2024
Cùng thời điểm, những dòng tiền lớn chảy mạnh ra thị trường, nhưng có một ẩn số liên quan.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 cuối tuần qua, những con số điển hình cho những dòng chảy lớn được công bố.

HÀNG TRĂM NGHÌN TỶ ĐỒNG VỪA TẬP TRUNG CHẢY RA

Trước hết, sau chỉ đạo ráo riết của Thủ tướng Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ nét, 8 tháng đầu năm tăng gần 31% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Quy mô giải ngân vốn đầu tư công sau 8 tháng đã đạt trên 250 nghìn tỷ đồng, phần lớn tập trung chảy mạnh ra nền kinh tế trong các tháng 6, 7 và 8.

Đáng chú ý hơn, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dự trữ ngoại hối đã đạt khoảng 92 tỷ USD và đến cuối năm nay có thể đạt con số 100 tỷ USD; như vậy, tăng nhiều lần so với mức 20 tỷ USD vào đầu nhiệm kỳ.

Cập nhật trên có nghĩa Ngân hàng Nhà nước đã trở lại mua ròng lượng lớn ngoại tệ để nâng mạnh dự trữ ngoại hối, so với quy mô 84 tỷ USD mà Thống đốc Lê Minh Hưng cập nhật tại hội nghị trực tuyến tháng 4/2020.

Trên thị trường, hoạt động mua vào ngoại tệ được chú ý từ đầu tháng 8 vừa qua. Theo đó, ước tính có cả trăm nghìn tỷ VND cung ứng vừa được đưa ra mua vào ngoại tệ, theo so sánh thay đổi quy mô nói trên.

Như vậy, chỉ trong vài tháng trở lại đây, hàng trăm nghìn tỷ đồng từ các nguồn chính như giải ngân đầu tư công, đưa ra mua ngoại tệ tập trung chảy mạnh. Như BizLIVE đề cập vừa qua, một diễn biến thể hiện là lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống các tổ chức tín dụng đã tăng mạnh trở lại; lãi suất huy động VND cũng giảm thêm một bước trên biểu của các ngân hàng thương mại.

Nhưng điểm đáng chú ý hơn cả là Ngân hàng Nhà nước đã không trực tiếp hút bớt tiền về để trung hòa trước các dòng chảy lớn đó, như một "nhã ý" mà BizLIVE từng đề cập trong hướng nới lỏng có kiểm soát để hỗ trợ nền kinh tế trước khó khăn bởi Covid-19.

Nhộn nhịp những dòng tiền lớn và một ẩn số - Ảnh 1.

KHÁC BIỆT LỚN VỚI GIAI ĐOẠN TRƯỚC

Ở biểu đồ trên, nhìn lại năm 2019, Ngân hàng Nhà nước có hoạt động phát hành tín phiếu hút bớt tiền về trải dài cả năm, quy mô khá lớn. Đó cũng là năm nhà điều hành mua ròng hơn 20 tỷ USD, đồng nghĩa với lượng VND cung ứng ra thị trường lớn và phải liên tục trung hòa hút bớt về.

Xa hơn nữa, cùng thời điểm này hai năm trước, tháng 9/2018, Ngân hàng Nhà nước cũng mua vào lượng lớn ngoại tệ, và cũng lập tức trung hòa hút bớt bằng phát hành lượng lớn tín phiếu. Số dư lưu hành tín phiếu trung tuần tháng 9/2018 từng ghi nhận lên tới hơn 76.000 tỷ đồng - lượng tiền hút bớt về.

Như biểu đồ trên, quãng cao điểm mua vào ngoại tệ cuối 2019 đầu 2020 cũng cho thấy lượng lớn VND đã được Ngân hàng Nhà nước hút bớt về qua kênh phát hành tín phiếu. Cao điểm đến đầu tháng 3/2020 lên tới khoảng 147.000 tỷ đồng hút bớt về.

Thế nhưng, đó cũng là dấu mốc đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Khoảng 147.000 tỷ đồng đó (chủ yếu kỳ hạn khoảng 3 tháng) lần lượt chảy trở lại thị trường khi tín phiếu đáo hạn. Từ đó đến nay Ngân hàng Nhà nước đã không phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về như trước.

Và đến nay, qua quãng mua ròng ngoại tệ lượng lớn cùng lượng VND cung ứng liên quan, với dấu ấn thể hiện từ đầu tháng 8 vừa qua , nhà điều hành vẫn không thực hiện phát hành tín phiếu hút bớt tiền về; số dư tín phiếu lưu hành đến nay vẫn là 0.

Qua đó có thể thấy dụng ý của nhà điều hành chính sách tiền tệ về hướng nới lỏng về lượng, tạo nguồn cung vốn thuận lợi hơn, thêm điều kiện để giảm dần lãi suất, và điểm chung là hỗ trợ nền kinh tế trước đại dịch.

Nhộn nhịp những dòng tiền lớn và một ẩn số - Ảnh 2.

Tham khảo mô hình của MSB Research cho thấy Kho bạc Nhà nước có vai trò và ảnh hưởng lớn trong các dòng chảy - Đồ họa: Ngọc Thủy

 

ẨN SỐ LIÊN QUAN

Tháng 7/2020, trước dấu hiệu của dòng tiền lớn, khối nghiên cứu thị trường của một ngân hàng thương mại có báo cáo với hội đồng quản trị rằng, nguồn tiền lớn từ giải ngân đầu tư công bắt đầu đẩy ra mạnh.

Theo nhận định của khối nghiên cứu này, một mặt vốn đầu tư công sẽ lan tỏa qua các tổ chức kinh tế rồi tụ lại ở tài khoản tiền gửi trên hệ thống, trong khi tín dụng vẫn tăng chậm, lãi suất huy động dự báo sẽ giảm thêm. Và một điểm đến của dòng tiền dự báo sẽ tiếp tục tập trung ở kênh trái phiếu Chính phủ.

Thực tế, từ đó đến nay, lãi suất huy động VND của các ngân hàng đã giảm thêm, nhất là đối với tiền gửi của các tổ chức kinh tế; các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ thu hút lượng cầu lớn, tỷ lệ trúng thầu liên tiếp duy trì trên 90%...

Cũng vào tháng 7/2020, Vietcombank, BIDV và VietinBank lần lượt công bố báo cáo tài chính quý II/2020. Điểm chung, như BizLIVE phản ánh trước đó , lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đã giảm hẳn trên các báo cáo.

Khi đó, một chuyên gia phản hồi với BizLIVE rằng, không hẳn chỉ là do nguồn tiền rút đi, mà những ngân hàng trên chủ động hơn trong cân đối nguồn, tính toán lại chi phí mà không nhất thiết tham gia đấu thầu nhận thêm tiền gửi của Kho bạc Nhà nước.

Cũng theo chuyên gia này, việc Ngân hàng Nhà nước không thực hiện phát hành tín phiếu hút bớt tiền về thời gian qua, cũng như quãng mua vào ngoại tệ gần đây, không hẳn tất cả nguồn tiền đều được "thả ra" thị trường. Ẩn số ở đây là số dư tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước để tại Ngân hàng Nhà nước.

Từ tháng 11/2019, thực hiện cơ chế mới, tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước được kết chuyển về tài khoản để tại Ngân hàng Nhà nước, thay vì đọng lại tại các ngân hàng thương mại. Quy mô số dư kết chuyển này càng lớn, lượng tiền tạm tránh qua đây càng lớn hoặc ngược lại.

Dù có ẩn số đó, nhưng thời điểm này, những dòng tiền lớn đang được ghi nhận chảy mạnh ra thị trường, gồm giải ngân đầu tư công và nguồn cung ứng mua vào ngoại tệ.

Còn lại là những điểm đến và các tác động, như với tăng trưởng kinh tế từ quý III, lạm phát tương lai, tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, xu hướng giảm lãi suất…, và thậm chí là cả với diễn biến dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

Nguồn: