Lãi suất trên liên ngân hàng hiện ở mức 3,2% với kỳ hạn qua đêm và 3,3% với kỳ hạn 1 tuần, chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng duy trì ở mức 0,7-0,9%/năm. Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2019 thặng dư 79,3 nghìn tỷ đồng (theo Bộ Tài chính) là một yếu tố gián tiếp khiến cho nguồn cung VND dồi dào, góp phần giữ mặt bằng lãi suất ổn định ở 3,2-3,6%/năm từ đầu tháng 5.
Theo NHNN, tỷ trọng tín dụng/huy động của toàn hệ thống 5 tháng đầu năm 2019 dao động ở mức 89-90,3%, cao hơn mức bình quân 88% của năm 2018 do chỉ số này tăng mạnh ở khối các NHTM cổ phần (từ 82,5% bình quân năm 2018 lên 84,5%-86,2% trong 5 tháng đầu năm 2019) và duy trì ở mức rất cao tại các NHTM nhà nước (93,4-95,3%). Qua đó có thể thấy, nhu cầu huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn rất lớn, đặc biệt là ở khối các NHTM cổ phần. Lãi suất huy động thị trường 1 vì vậy vẫn duy trì trạng thái đi ngang, 4,1%-5,5% với kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,5-7,45% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; 6,4-7,9%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.
Trên thị trường thế giới, phiên điều trần ngày 10/7 của Jerome Powell đã củng cố niềm tin FED chắc chắn (100%) sẽ giảm lãi suất vào cuối tháng này, trong đó 30% tin rằng FED sẽ giảm tới 0,5%. Không chỉ FED, NHTW Nhật Bản, NHTW Anh, NHTW Châu Âu cũng đều đưa ra tín hiệu về phương án giảm lãi suất. Một số NHTW thực tế đã giảm lãi suất như Úc, Ấn Độ, Nga, Chi-le… để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhóm phân tích của SSI cho rằng, mặt bằng lãi suất toàn cầu giảm xuống sẽ giảm áp lực với lãi suất huy động và cho vay trong nước.
Nguồn: