Nhu cầu trái phiếu Chính phủ vẫn tăng

23/11/2024
Dịch 19 diễn biến phức tạp có thể khiến tín dụng tăng trưởng chậm lại những tháng cuối năm. Vì vậy, các ngân hàng sẽ tạm thời chuyển nguồn vốn nhàn rỗi sang kênh trái phiếu Chính phủ với các kỳ hạn phù hợp. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho hoạt động giải ngân đầu tư công, lượng phát hành trái phiếu Chính phủ trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng.

Giới chuyên gia nhận định, Kho bạc Nhà nước có thể đạt được mục tiêu phát hành năm 2020 dù còn nhiều khó khăn do lãi suất trái phiếu giảm, ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của trái phiếu.

Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích đầu tư, Công ty chứng khoán VPS, hiện nay trên thị trường sơ cấp mặt bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm khá mạnh. Bước sang tháng 8, lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm so với tháng 7 và tháng 6, đặc biệt là giảm nhiều so với cuối năm 2020.

Trong ngắn hạn, lãi suất trái phiếu Chính phủ bị chi phối bởi tin đồn và kỳ vọng của nhà đầu tư. Thực tế đến giữa tháng 8, phát hành trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 56% kế hoạch năm là con số khá tích cực. Năm nay, nhu cầu trái phiếu Chính phủ vẫn cao và có khả năng đạt được mục tiêu phát hành.

Do mặt bằng trái phiếu Chính phủ dự báo sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian tới, một phần cũng nhờ nhóm ngân hàng lớn đang “đỡ” giá cho thị trường, trong khi đó số ngân hàng vừa và nhỏ giảm danh mục đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Trong giai đoạn dịch bệnh, việc kinh doanh gặp khó khăn, tín dụng tăng chậm lại nên buộc các ngân hàng phải có kênh hấp thụ vốn và việc nắm giữ trái phiếu Chính phủ là một giải pháp.

“Tuy nhiên, lãi suất giảm cũng làm kém tính hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ, nên có thể đấu thầu thành công sẽ không cao được như năm 2020”, ông Khánh nói.

Theo ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), tính từ đầu năm đến giữa tháng 8, Kho bạc Nhà nước phát hành được 196.281 tỷ đồng trái phiếu, đạt 56% kế hoạch năm. Trong nửa đầu tháng 8, tình hình phát hành trái phiếu Chính phủ đã cải thiện hơn. Trong số 27.500 tỷ đồng trái phiếu được chào bán, có 22.227 tỷ đồng được huy động, tương đương tỷ lệ trúng thầu là 81%.

Theo đó, trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 20 năm có tỷ lệ trúng thầu đạt 100%. Mức lợi suất trúng thầu của các trái phiếu giảm ở tất cả các kỳ hạn so với cuối tháng 7. Lợi suất kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 2,1%/năm và 2,32%/năm, giảm 6-12 điểm cơ bản so với cuối tháng 7. Lợi suất kỳ hạn 5 năm giảm 5 điểm cơ bản xuống mức 1%/năm.

Ông Tuấn cho rằng, mức lợi suất hiện tại dù thấp do thanh khoản dồi dào nhưng đã phù hợp với kỳ vọng của thị trường khi tỷ lệ trúng thầu tương đối cao.

Kho bạc Nhà nước cho biết, vốn trái phiếu Chính phủ được huy động phù hợp với nhu cầu, tiến độ sử dụng vốn của ngân sách và tình hình thị trường đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay.

Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), dự kiến tổng vốn ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 2,87 triệu tỷ đồng, tương ứng nhu cầu vốn là 574 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 là gần 5.000 dự án, giảm hơn 1/2 so với giai đoạn 2016- 2020; trong đó, khởi công mới khoảng 2.236 dự án.

Hiện nay, tiến độ giải ngân còn chậm, đến cuối tháng 7/ 2021 mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, trong khi đó cùng kỳ năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 40,67%.

Bên cạnh đó, một số khó khăn mới nảy sinh đang ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư công là giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, VCSB cho biết.

VCBS kỳ vọng, quá trình giải ngân đầu tư công được thúc đẩy trong những tháng cuối năm. Dù vậy, công ty chứng khoán này cho rằng, Kho bạc Nhà nước không có áp lực đẩy mạnh phát hành bằng mọi giá, mà sẽ phát hành phù hợp với kế hoạch.

Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dư địa để giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm vẫn còn lớn. Do đó, lượng phát hành trái phiếu Chính phủ trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng để hỗ trợ cho hoạt động giải ngân đầu tư công.

Các chuyên gia từ VCBS cũng nhận định, mục tiêu phát hành 350 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ năm 2021 có thể đạt được và Kho bạc Nhà nước sẽ tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài với chi phí huy động vốn hợp lý. Việc này tạo điều kiện cho Chính phủ tăng vay nợ tại thị trường trong nước, giảm vay nợ nước ngoài. Qua đó, tối đa hóa việc sử dụng nguồn lực trong nước.

Theo VCBS, nhu cầu đầu tư trái phiếu Chính phủ ở mức cao và hoàn toàn có thể hấp thụ được khối lượng phát hành như dự kiến. Công ty chứng khoán này nhận định, thanh khoản từ hệ thống ngân hàng đối với trái phiếu doanh nghiệp nhiều khả năng vẫn sẽ ổn định và dồi dào.

Phía Kho bạc Nhà nước cho biết, việc phát hành trái phiếu Chính phủ cần đáp ứng yêu cầu đủ nguồn vốn cho ngân sách nhà nước; gắn huy động vốn với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Từ đó, đảm bảo vốn vay được sử dụng không lãng phí, tăng hiệu quả sử dụng vốn vay, hiệu quả quản lý nợ công.

Bên cạnh đó, phát hành trái phiếu Chính phủ phải phù hợp với nhu cầu các nhà đầu tư trên thị trường, duy trì lượng hàng hóa và hướng thị trường trái phiếu Chính phủ trở thành thị trường chuẩn, tham chiếu cho các thị trường vốn khác.

Nguồn: