Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV, thói quen và niềm tin của người tiêu dùng là một trong những rào cản thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Song thói quen này đang dần thay đổi và sẽ còn thay đổi rất nhanh do cơ cấu dân số trẻ và xu thế chuyển dịch sang các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian vừa qua.
Để vượt qua được ngưỡng tâm lý trong thói quen tiền mặt, cần sự đồng bộ của cả các nhà cung cấp công cụ thanh toán không dùng tiền mặt (như ngân hàng, Fintech), của các nhà cung cấp dịch vụ tìm thấy lợi ích khi thanh toán không dùng tiền mặt, và đặc biệt là các chính sách khuyến khích và truyền thông của Chính phủ về một xã hội không tiền mặt.
Riêng ở góc độ ngành ngân hàng, theo đại diện BIDV, trong những năm qua, dịch vụ ngân hàng điện tử đã giải quyết được nhiều nhu cầu của khách hàng khi họ có thể sử dụng điện thoại, máy tính hoặc các thiết bị thông minh khác để vấn tin hoặc thực hiện các giao dịch với tài khoản ngân hàng một cách thuận tiện, vào bất cứ lúc nào và thời điểm nào mà không cần phải đến các phòng giao dịch hoặc cây ATM.
Nhưng có thực tế đó là dịch vụ thanh toán qua giao dịch trực tuyến nói riêng và dịch vụ ngân hàng nói chung khi càng thỏa mãn sự tiện lợi và trải nghiệm của người dùng thì đòi hỏi hệ thống công nghệ xử lý càng phức tạp, hiện đại, với một hạ tầng kết nối đa dạng và thông suốt, đi kèm với đó là vấn đề về an toàn và bảo mật. Rủi ro này không phải của riêng hoạt động thanh toán, mà là vấn đề rò rỉ dữ liệu và an ninh mạng nói chung.
Vấn đề đặt ra là, việc lựa chọn và kết hợp các công nghệ nào để vừa thuận tiện, vừa tối ưu chi phí, mà vẫn đảm bảo an toàn cho khách hàng, hạn chế tối đa rủi ro cho khách hàng, là một bài toán không đơn giản cho mỗi nhà băng. Thực tế cho thấy, các ngân hàng thường phải chi ra không dưới 30% tổng ngân sách đầu tư công nghệ thông tin cho vấn đề bảo mật và phòng chống gian lận.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, ngân hàng là một lĩnh vực nhạy cảm, là đối tượng tập trung để các tội phạm mạng hướng vào nhằm phát hiện ra các lỗ hổng để khai thác và liên tục tấn công nhằm trục lợi. Bên cạnh việc trang bị cho mình một hệ thống bảo mật tốt nhất và liên tục cập nhật, nhiều ngân hàng còn chuyển từ biện pháp phòng vệ thụ động sang tích cực chủ động rà soát, phát hiện và xử lý sớm các lỗ hổng, nguy cơ mất an ninh hệ thống công nghệ thông tin để hạn chế tối đa các rủi ro. Đặc biệt phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Bộ Công an (A50, PC50) thực hiện tốt công tác cảnh báo, giám sát an ninh mạng và tuyên truyền để giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra.
Những yếu tố đẩy nhanh thanh toán không tiền mặt
Đại diện BIDV cho rằng, vẫn có những yếu tố như "bệ đỡ" vững chắc giúp đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, Việt Nam đã có hệ thống khuôn khổ hành lang pháp lý, cơ chế giám sát thanh toán không dùng tiền mặt rõ ràng, kết hợp hài hòa với các chính sách vĩ mô khuyến khích phát triển công nghệ tài chính, chính sách quản lý, giám sát các dịch vụ tài chính và tăng cường bảo mật, minh bạch thông tin tại các định chế tài chính.
Cụ thể, ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Trong đó, ngoài các mục tiêu như phát triển mạnh thanh toán thẻ, thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, còn có mục tiêu tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại. Quyết định này yêu cầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán bằng tiền mặt, dịch vụ trung gian thanh toán…
Tiếp đến, ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công. Để thực hiện đề án này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan, hình thành cơ sở pháp lý quan trọng để hỗ trợ các tổ chức tín dụng, các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán mở rộng dịch vụ của mình. Ngân hàng Nhà nước cũng đóng vai trò giám sát, hỗ trợ thị trường, đặc biệt ngay trong năm nay là yêu cầu các tổ chức tín dụng, Napas miễn giảm phí thanh toán cho người sử dụng…
Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh của thị trường thì phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, ban hành các cơ chế đột phá mới. Đồng thời, tiếp tục các biện pháp để nâng cao vai trò giám sát của cơ quan quản lý, kiểm soát tốt rủi ro hoạt động của hệ thống ngân hàng và đảm bảo an toàn cho các giao dịch của khách hàng.
Thứ hai, bản thân các ngân hàng thương mại cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về công nghệ, chủ động xây dựng các kênh phân phối, tăng năng lực kết nối với địa phương, tăng cường đầu tư về hạ tầng công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm, tiện ích, tăng trải nghiệm người dùng…Đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng cần phối hợp để tạo sự xuyên suốt giữa các trung tâm dữ liệu, ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán, cổng thanh toán.
Thứ ba, tận dụng sự phát triển của các kênh truyền thông online, mạng xã hội tăng cường truyền thông để mỗi người dân hiểu rõ ưu - nhược điểm của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó, thay đổi thói quen và nhận thức của người dân trong việc nhìn nhận tiền mặt là một công cụ được ưa chuộng trong thanh toán, đồng thời tự quyết định chọn lựa hình thức thanh toán phù hợp nhất.
Thứ tư, tăng cường vai trò của các công ty Fintech. Hệ thống ngân hàng phải xác định rõ lộ trình hợp tác, tích hợp, tận dụng nhiều nhất các lợi thế của các công ty này. Từ đó, mỗi ngân hàng phải nhanh nhẹn "chuyển mình", thay đổi cách thức hoạt động cho phù hợp, thay đổi tư duy xây dựng sản phẩm, dịch vụ, các tiện ích phải đa dạng, an toàn và có sự phối kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau.
Bốn yếu tố trên cần được đảm bảo phối hợp chặt chẽ và tương trợ lẫn nhau, đảm bảo quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt được phát triển cả về chất và lượng, đồng thời để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong việc tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Nỗ lực của "ông lớn" ngân hàng BIDV
Là một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, BIDV thời gian qua liên tục tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động, góp phần thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng sự thay đổi của thị trường.
Năm 2019, BIDV thành lập trung tâm ngân hàng số nhằm đẩy nhanh số hóa toàn diện các mặt của Ngân hàng, tập trung phát triển các sản phẩm/dịch vụ ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu thay đổi thói quen thanh toán của khách hàng.
Ngân hàng cũng liên tục đưa ra các gói sản phẩm/dịch vụ, chương trình ưu đãi dài hạn dành cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp trên 2 nền tảng ngân hàng số là Smartbanking cho khách hàng cá nhân và iBank cho khách hàng doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng/thanh toán qua các kênh online. Trong 10 tháng đầu năm, số lượng khách hàng cá nhân mới tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019, riêng qua Smartbanking số lượng giao dịch chiếm 52% tổng số lượng giao dịch toàn hàng và tăng gần gấp đôi so với cả năm 2019. Số lượng giao dịch qua nền tảng iBank cũng tăng đột biến, một phần ảnh hưởng của Covid19, một phần do các chính sách thúc đẩy và hỗ trợ của BIDV cho phân đoạn khách hàng này.
Bên cạnh đó, BIDV đã thúc đẩy và hoàn thiện cổng thanh toán theo hướng Ngân hàng mở (BIDV Paygate) kết nối với gần 2.000 nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ và các trung gian thanh toán, cho phép thanh toán không dùng tiền mặt từ các dịch vụ tiện ích cơ bản như điện/nước/truyền hình/internet/viễn thông, các dịch vụ thanh toán học phí, viện phí, nộp thuế và các dịch vụ công, đến các dịch vụ cao cấp như đăng ký vé máy bay/xem phim, thanh toán bảo hiểm, trả lãi tín dụng, từ thiện và nhiều tiện ích khác, kết hợp với các chương trình ưu đãi của BIDV và đối tác khi giao dịch trực tuyến.
Việc mở rộng và kết nối với các đối tác, công ty Fintech, các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh để xây dựng hệ sinh thái phục vụ các nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt trong mọi lĩnh vực, ngành nghề… tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa khách hàng, nhà cung cấp dịch vụ và BIDV.
Đặc biệt, BIDV chú trọng việc xây dựng các nền tảng công nghệ hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển hệ sinh thái của mình, ví dụ như các dịch vụ tài khoản định danh (virtual account), dịch vụ ngân hàng trực tiếp trên các nền tảng ứng dụng quản trị doanh nghiệp của khách hàng (firm banking) trên nền tảng API mở, không giới hạn thanh toán trong nội địa, mà mở rộng liên kết với các quốc gia và các khu vực trên thế giới với lợi thế mạng lưới quan hệ rộng khắp của Ngân hàng.
Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, một hoạt động không thể thiếu đó là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, các chương trình và chính sách phí hợp lý để tăng cường nhận biết của khách hàng đối với các kênh thanh toán số của BIDV. Các nội dung này đều được BIDV triển khai một cách đồng bộ để định hướng khách hàng chuyển dịch sang các kênh ngân hàng số.
Nguồn: