Những ngân hàng liên tục không chia cổ tức và ''nỗi niềm khó tả'' của cổ đông

15/12/2024
Ở cái tuổi đã 81, tôi khó có thể chờ đợi lâu hơn được nữa. Tôi nghĩ nếu ngân hàng chỉ cần trích 1-2% trên vốn điều lệ thì số tiền này cũng làm hài lòng nhiều cổ đông nhỏ lẻ - Một cổ đông ngân hàng từng trải lòng về tình trạng nhiều năm không được nhận cổ tức.

Cứ đến mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng, vấn đề phân phối lợi nhuận, chia cổ tức lại trở thành điểm nóng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Bên cạnh những ngân hàng có lịch sử chi trả cổ tức cao, cũng có không ít nhà băng liên tục nói không về vấn đề này.

Theo tài liệu phục vụ cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2022, ban lãnh đạo Techcombank dự kiến trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2021 với việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.

Nếu được được thông qua, đây sẽ là năm thứ 11 ngân hàng này không chia cổ tức bằng tiền mặt và là năm thứ tư liên tiếp không chia cổ tức.

Vấn đề không chia cổ tức liên tục được cổ đông đưa ra chất vấn ban lãnh đạo ngân hàng trong các đại hội gần đây.

Trong cuộc họp năm 2021, nói về nguyên nhân không phát hành cổ phiếu chia cổ tức như các ngân hàng khác, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết vốn chủ sở hữu mới thực sự quan trọng đối với hoạt động ngân hàng, trong khi vốn điều lệ chỉ có ý nghĩa tại một số văn bản pháp lý.

Trước đó, ban lãnh đạo ngân hàng cũng không ít lần thừa nhận động thái không chia cổ tức khiến một số cổ đông không vui nhưng bù lại giá trị cổ phiếu và các chỉ số an toàn sẽ tăng lên. Trong những đại hội cổ đông gần đây, Techcombank luôn khẳng định theo đuổi chiến lược này với lý do muốn đảm bảo ngân hàng luôn đầy đủ vốn, không mất tiền cho việc huy động bên ngoài.

Cổ đông Sacombank cũng không được nhận cổ tức trong liên tục trong 6 năm qua. Năm 2022, Sacombank tiếp tục đề xuất giữ lại lợi nhuận lũy kế 8.982 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông năm 2021, nhiều cổ đông than phiền việc nhiều năm nay Sacombank không chia cổ tức do tái cơ cấu. Với nguồn lợi nhuận giữ lại luỹ kế ở mức cao, cổ đông kỳ vọng có thể sớm chia cổ tức.

Trước mong mỏi của cổ đông về cổ tức, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh cho hay, lãnh đạo ngân hàng cũng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, vì giá cổ phiếu đang rất tốt, nhưng vẫn phải chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và quá trình tái cơ cấu thành công.

"Dự kiến, đến năm 2022 hoặc đầu năm 2023, ngân hàng có thể chia cổ tức. Bản chất vấn đề là tái cơ cấu, khi tái cơ cấu thành công mới xử lý các vấn đề khác như chia cổ tức, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược", người đứng đầu Sacombank chia sẻ.

Tại tờ trình phục vụ ĐHCĐ thường niên 2022, HĐQT Sacombank cho biết, do hiện tại Sacombank đang thực hiện tái cơ cấu theo Đề án đã được Chính phủ và NHNN phê duyệt, vì vậy việc chia cổ tức cho cổ đông phải được sự phê duyệt của NHNN. Từ năm 2019 đến nay, Sacombank vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức cho cổ đông hiện đang chờ sự phê duyệt của NHNN để triển khai thực hiện.

Một ông lớn trong nhóm ngân hàng tư nhân khác là SCB cũng chưa thực hiện đợt chia cổ tức nào trong gần 10 năm qua.

Tại đại hội cổ đông năm 2020, một cổ đông từng làm việc tại SCB cho biết, suốt 8 năm qua, rất nhiều lần ban giám đốc cam kết sẽ chia cổ tức nhưng đến thời điểm tổ chức hội nghị cổ đông lần này, vấn đề này vẫn không được đưa vào nghị quyết.

"Ở cái tuổi đã 81, tôi khó có thể chờ đợi lâu hơn được nữa. Tôi nghĩ nếu ngân hàng chỉ cần trích 1-2% trên vốn điều lệ thì đâu đó vào khoảng hơn 150 tỉ đồng. Số tiền này cũng làm hài lòng nhiều cổ đông nhỏ lẻ", vị cổ đông này đề nghị.

Eximbank cũng là một trong những nhà băng liên tục không chia cổ tức trong những năm qua do phải xử lý trái phiếu VAMC và liên tục không tổ chức được đại hội cổ đông.

Tại đại hội cổ đông mới đây, Nguyên Chủ tịch ngân hàng là ông Yasuhiro Saitohcho cho biết, năm 2022, Eximbank đã thỏa mãn điều kiện cuối cùng để chia cổ tức. Lần chia cổ tức gần đầy là 4% trong năm 2012. Ngân hàng không thể chia cổ tức trong 9 năm qua do chưa thể tổ chức ĐHCĐ. Ông Yasuhiro Saitohcho cũng hé lộ tỷ lệ chia cổ tức có thể lên tới 2 con số, việc chia cổ tức có thể bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu theo chỉ đạo của NHNN.

Tuy nhiên, kết thúc ĐHĐCĐ ngày 15/2/2022, tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận đã không được cổ đông thông qua.

Bên cạnh các ''ông lớn'', PG Bank là ngân hàng không tiến hành chia cổ tức trong cả thập niên qua. Tại tờ trình phục vụ đại hội năm nay, ngân hàng này tiếp tục không có kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông. Nếu không có thay đổi, đây sẽ là năm thứ 10 liên tiếp PG Bank không chia cổ tức.

Tương tự, Saigonbank cũng không đề cập đến vấn đề chia cổ tức trong tờ trình ĐHCĐ năm 2022. Như vậy, nhiều khả năng Saigonbank sẽ bước sang năm thứ 5 liên tiếp không trả cổ tức. Lần phân phối lợi nhuận gần nhất cho cổ đông là đợt chia cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 4%.

Trước đó, HĐQT Saigonbank đã đưa ra kế hoạch dự kiến chia cổ tức 2020 ở mức 5% nhưng đã không trình lên ĐHCĐ 2021 do chưa được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.

Trả lời cổ đông vì lý do thay đổi kế hoạch ở phút chót dù mức cổ tức này thấp hơn lãi suất tiết kiệm và nhiều năm qua Saigonbank đã không chia cổ tức, Chủ tịch HĐQT Vũ Quang Lãm cho biết: "Tình hình hoạt động của Saigonbank đã cải thiện trong những năm gần đây và năm nào chúng tôi cũng đề xuất chia cổ tức cho cổ đông, nhưng theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền thì phải giữ lại để tăng cường khả năng tài chính, vượt qua đại dịch".

''Năm 2021, Saigonbank vẫn chưa được chia cổ tức. Nhưng sau khi được ĐHCĐ ủy quyền, HĐQT tiếp tục làm việc với cấp thẩm quyền, báo cáo rõ tình hình tài chính lành mạnh của Saigonbank để được phép chia cổ tức như đề nghị của cổ đông'' ông Lãm nói thêm.

https://cafef.vn/nhung-ngan-hang-lien-tuc-khong-chia-co-tuc-va-noi-niem-kho-ta-cua-co-dong-20220418193040824.chn

Nguồn: