Ngày thứ Sáu vừa qua (23/8), các quyết định đáp trả thuế quan lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ đã lần lượt được đưa ra.
Trước hết, Trung Quốc quyết định áp thuế bổ sung với khoảng 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Quyết định này nhằm đáp trả tuyên bố tăng thuế đối với hàng Trung Quốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra đầu tháng 8 vừa qua.
Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump “trả đũa” với tuyên bố tăng thuế với hơn 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, cũng như đưa xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lên nấc thang mới.
Tuyên bố của ông Donald Trump đưa ra sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm sâu trong phiên cùng ngày, cũng là chiều cuối tuần. Đồng Nhân dân tệ (CNY) rơi thêm và chốt tuần ở mức 7.096 trong quy đổi với đồng Đô la Mỹ (USD) - mức sâu nhất kể từ tháng 2/2008.
Tương tự như sự kiện đánh thuế ngày 01/8 vừa qua, lệch múi giờ với tuyên bố của Tổng thống Trump, thị trường châu Á (bao gồm Trung Quốc) mở cửa ngày hôm sau (02/8) mới thực sự cho thấy phản ứng của đồng CNY, với cú rơi thẳng đứng hơn 0,7% ngay khi mở cửa và áp sát mốc 7.0 trong quy đổi với USD.
Như thường thấy trong các dữ kiện quá khứ, đồng CNY giảm giá mạnh đều có thể tác động lớn tới các thị trường toàn cầu, như phản ứng dây chuyên…
Lần này, bên cạnh tính thời điểm lệch múi giờ với quyết định tăng thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra vào chiều thứ Sáu, lại đệm hai ngày nghỉ cuối tuần, diễn biến mới của đồng CNY tuần tới trở thành sự chờ đợi.
Đó là chờ đợi hành động phản ứng của Trung Quốc. Liệu họ có đáp trả bằng biện pháp phi thuế quan qua phá giá CNY tiếp hay không, mà nếu có thì tác động tới các thị trường như thế nào?
Có gia tăng bất lợi đối với Việt Nam?
Lần gần nhất, như trên, đầu tháng 8 với sự kiện Mỹ tuyên bố tăng thuế và đồng CNY lao dốc, tỷ giá USD/VND có phần “xao xuyến” nhưng nhanh chóng ổn định trở lại; thị trường chứng khoán Việt Nam cũng rung lắc mạnh đầu phiên và hồi phục đáng kể sau đó.
Đó là những phản ứng tức thời và ngắn hạn. Còn ở phạm vi rộng hơn và mang tính lâu dài hơn, quan ngại chung tập trung ở đà xuống giá mạnh của CNY có thể gia tăng bất lợi đối với kinh tế Việt Nam.
Nhưng nhìn lại, có những điểm về diễn biến và tác động vẫn đang được đúc kết.
Thứ nhất, nhiều ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước cùng một nhìn nhận: Trung Quốc không cố ý phá giá mạnh đồng CNY trong những diễn biến vừa qua. Ngày càng có nhiều hơn quan điểm từ các nhà phân tích, bình luận độc lập trong các dòng chảy thông tin thể hiện nhìn nhận chung này.
Thứ hai, như trên, gia tăng bất lợi đối với Việt Nam khi đồng CNY giảm giá mạnh được xét đến ở các khía cạnh khác nhau.
Điểm chung, khi đồng CNY xuống giá mạnh, hàng hóa của Trung Quốc trở nên rẻ hơn, cạnh tranh hơn ngay chính trên thị trường Việt Nam và trên các thị trường xuất khẩu khác mà hàng Việt Nam cũng hướng đến; cùng đó, hàng xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc cũng thêm khó khăn…
Điểm được chú ý hơn nữa, Việt Nam triền miên nhập siêu , nhập siêu rất lớn và lớn nhất trong tất cả các thị trường từ Trung Quốc. Đồng CNY giảm giá mạnh càng có thể khoét sâu cân đối này.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2019 Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 42,5 tỷ USD, tăng tới 18,4% so với cùng kỳ 2018; trong khi xuất khẩu sang thị trường này chỉ 19,8 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ 2018; và nhập siêu 7 tháng lên tới 22,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, cân đối trên và các tác động từ CNY xuống giá mạnh cũng không hẳn hoàn toàn tiêu cực và không hẳn tất cả đều bất lợi.
Cụ thể, ở một khía cạnh khác, khi nhìn vào cơ cấu hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam thì có cũng điểm lợi.
Số liệu bóc tách của Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng đầu năm nay, những nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu chính và có kim ngạch lớn từ Trung Quốc là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; nguyên phụ liệu dệt may, da, giày; chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo…
Đó là những mặt hàng trước hết Việt Nam còn chưa thực sự chủ động hoặc mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình tự sản xuất, hoặc còn hạn chế trong nguồn nhập khẩu khác khả dĩ hơn, đặc biệt là hàng đầu vào cho chuỗi sản xuất như nguyên liệu và máy móc, thiết bị.
Trong đó, cấu phần hàng đầu vào cho chuỗi sản xuất như nguyên liệu, máy móc và thiết bị khá lớn. Đây được xem là một phần chi phí đầu vào, được chuyển tiếp cho sản xuất tạo hàng hóa tiêu dùng trong nước và đặc biệt là cho xuất khẩu. Chi phí đầu vào này giảm thiểu khi CNY xuống giá mạnh cũng là điểm đáng chú ý.
Nguồn: