Nợ xấu của FE Credit đang như thế nào?

27/11/2024
FE Credit tăng trưởng mạnh trở lại trong 6 tháng đầu năm 2019, đóng góp gần 50% cho lợi nhuận hợp nhất của VPBank. Nợ xấu cũng có những chuyển biến tích cực.

FE Credit lãi trước thuế hơn 2.100 tỷ, đóng góp 49% cho VPBank hợp nhất

Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) vừa công bố báo cáo tài chính giữa niên độ 2019, ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 2.131 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Theo đó, tỷ lệ đóng góp của FE Credit trong tổng lợi nhuận trước thuế của VPBank hợp nhất đạt 49%. Trước đó, tỷ lệ này trong năm 2018 chỉ ở mức 45%.

Trong 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 8.508 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng vọt 475% lên 259 tỷ, chủ yếu nhờ nguồn thu phí hỗ trợ và hoa hồng bảo hiểm tăng 320 tỷ tương đương tăng 40% lên 1.110 tỷ đồng. 

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối kém khả quan hơn, bị lỗ 48 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác cũng sụt giảm 42% xuống còn 263 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động của FE Credit đạt 8.983 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động cũng tăng mạnh 31% (chủ yếu do tăng chi phí cho nhân viên), chi phí dự phòng tăng 13% lên 4.085 tỷ đồng. Theo đó, chi phí dự phòng của FE Credit đang chiếm tới 66% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.

Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của FE Credit chỉ ở mức 30%, trong khi CIR của ngân hàng mẹ là 41%. Nhờ CIR ở mức thấp nên dù chi phí hoạt động tăng mạnh hơn nhiều so với tổng thu nhập nên lợi nhuận của FE Credit vẫn tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ. 

Cho vay khách hàng tăng 9,4%, nợ xấu giảm xuống 5,35%

Cuối tháng 6, tổng tài sản của FE Credit đạt 64.768 tỷ đồng, tăng 7,7% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,4% lên 58.300 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2018, cho vay khách hàng của FE Credit tăng 19%.  

Nợ xấu của FE Credit là 3.121 tỷ đồng, giảm 63 tỷ so với hồi đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cũng giảm từ 5,98% xuống còn 5,35%. Trong cơ cấu nợ xấu của FE Credit chủ yếu là nợ nhóm 3 – nợ dưới tiêu chuẩn (2.932 tỷ đồng).

Nợ xấu của FE Credit đang như thế nào? - Ảnh 1.

Huy động vốn chủ yếu từ chứng chỉ tiền gửi và vay ngoại tệ từ các TCTD khác

Huy động vốn của FE Credit chủ yếu dựa vào phát hành giấy tờ có giá. Cuối tháng 6, giá trị phát hành chứng chỉ tiền gửi là 26.943 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm, giá trị phát hành trái phiếu là 1.800 tỷ, tăng 33%. Mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi dưới 1 năm là 5,25-9,25%, kỳ hạn từ 1-5 năm là 8,04-11,50%/năm. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn từ 1-5 năm là 9%/năm.

Ngoài ra, công ty cũng huy động vốn từ các TCTD khác khá lớn. Cuối tháng 6, số dư tiền gửi và vay các TCTD khác của FE Credit là 16.522 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của ngân hàng mẹ VPBank là 2.000 tỷ. FE Credit chủ yếu vay các TCTD khác bằng ngoại tệ, số dư lên tới 12.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng (từ các doanh nghiệp) chỉ đạt hơn 3.000 tỷ bởi hiện các công ty tài chính không được huy động tiền gửi từ người dân.

Báo cáo cũng cho biết, số nhân viên chính thức bình quân trong kỳ là 15.743 người, tăng hơn 2.700 người so với cùng kỳ năm 2018. Thu nhập bình quân của nhân viên cũng tăng từ 17 triệu đồng/ tháng lên 19 triệu đồng/tháng.

Nguồn: