Nợ xấu của toàn hệ thống nhiều hơn tổng tài sản của gần chục ngân hàng cộng lại

05/01/2025
Nợ xấu đã được xử lý ráo riết trong thời gian qua và đến nay nợ xấu nội bảng chỉ còn chiếm chưa đến 2% trên tổng dư nợ còn nợ xấu bao gồm cả các khoản nợ tiềm ẩn và đã bán cho VAMC chỉ còn chưa đến 5%. Tuy nhiên các con số này tính ra số tuyệt đối vẫn rất lớn.

Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 diễn ra trung tuần tháng 10 đã tổng kết, tính trung bình từ 15/8/2017 đến 31/8/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng nợ xấu, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012 - 2017, trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. 

Đặc biệt, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện đáng kể. Tình trạng khách hàng không chịu trả nợ đã giảm hẳn khi Nghị quyết 42 cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được thu giữ tài sản đảm bảo nếu con nợ cố tình không hợp tác. Kết quả là, trong số 9,6 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý mỗi tháng, có đến gần một nửa là do khách hàng tự trả nợ, lớn hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khi Nghị quyết được ban hành. 

Cũng theo thông tin tại Hội nghị, tỷ lệ nợ xấu, tính cả khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) và các khoản nợ có khả năng thành nợ xấu tới hết tháng 8/2019 là 4,84%, giảm mạnh so với mức 7,36% năm 2017 và 5,85% năm 2018. Với tỷ lệ này, ước tính đến cuối tháng 8/2019 quy mô nợ cần xử lý nói trên vào khoảng 368,3 nghìn tỷ đồng.

Đối chiếu theo báo cáo tài chính quý 3/2019 đang được các nhà băng công bố thì quy mô các khoản nợ này còn lớn hơn cả tổng tài sản của "á quân" lợi nhuận ngành ngân hàng là Techcombank (hơn 360 nghìn tỷ) và vượt hơn 28 nghìn tỷ so với tổng tài sản của nhóm 7 ngân hàng nhỏ cộng lại bao gồm Saigonbank, PGBank, Viet Capital Bank, Kienlongbank, VietBank, VietABank, NCB.

Báo cáo cụ thể về kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tại Hội nghị cho biết tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến 31/8/2019 là 1,98%. Như vậy con số này đã tăng 0,07% so với số liệu được cập nhật tại thời điểm tháng 6 và cũng cao hơn so với mức 1,89% được cơ quan quản lý công bố cho số liệu chốt năm 2018 và đây cũng là điểm đáng chú ý.

Vậy vì sao nợ xấu lại tăng trở lại?

Theo đánh giá của một số chuyên gia, nợ xấu tăng lên một phần nợ xấu tăng lên xuất phát từ những khoản nợ được trả về các nhà băng từ VAMC. Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC bắt đầu mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ cuối năm 2013 và 2 năm sau đó là cao điểm của lượng nợ xấu đổ về công ty này. Tới thời điểm hiện tại, khi thời hạn 5 năm của các khoản nợ xấu được bán cho VAMC lần lượt kết thúc, các khoản nợ xấu nếu chưa được xử lý sẽ được chuyển trả lại về các ngân hàng. Điều này làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên cũng có một số ý kiến khác cho rằng, việc VAMC trả lại các khoản nợ chưa được xử lý chỉ có thể làm tăng tỷ lệ nợ xấu nội bảng khi ngân hàng không trích lập đủ dự phòng cho các khoản nợ xấu đó. Bởi trong khoảng thời gian bán nợ xấu cho VAMC, với tỷ lệ trích lập 20% mỗi năm thì sau 5 năm các nhà băng đã có đủ dự phòng để bù đắp tổn thất mất vốn. Do vậy, các khoản nợ nhận lại từ VAMC sau 5 năm không được coi là nợ xấu của ngân hàng nữa. Thậm chí nếu có phương án xử lý ổn thỏa, ngân hàng còn có thể nhận được một khoản thu nhập khác không hề nhỏ.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác của diễn biến tăng tỷ lệ nợ xấu nội bảng bắt nguồn từ xu hướng cho vay của các ngân hàng hiện nay khi họ đang đẩy mạnh phát triển mảng ngân hàng bán lẻ và mở rộng cho vay tiêu dùng. Bởi đi cùng với lợi nhuận cao mà dịch vụ này mang lại là những tiềm ẩn rủi ro cao hơn rất nhiều so với mảng tín dụng truyền thống. 

Bên cạnh đó, số nợ xấu mới này cũng có thể đến từ các khoản nợ xấu tồn tại từ trước đó nhưng bị bỏ qua một cách vô tình hoặc cố ý, để đến thời điểm hiện tại, mới bắt đầu trở thành nợ xấu trong bảng cân đối của các ngân hàng.

Năm 2019 tuy đánh dấu những bước tiến đáng kể trong việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng song nợ xấu còn tồn đọng vẫn rất lớn. Do đó, lượng nợ xấu này cần phải được xử lý rốt ráo và triệt để hơn trong thời gian tới.

Nguồn: