Nợ xấu ngân hàng: Nơi kê cao gối nằm, chỗ đứng ngồi không yên

23/11/2024
Nợ xấu toàn hệ thống giảm không có nghĩa là nợ xấu ở ngân hàng nào cũng thấp.

Nợ xấu đã được hệ thống ngân hàng tập trung xử lý trong 5 năm trở lại đây. Ngoài nỗ lực của bản thân các nhà băng thì công cụ mang tên VAMC cũng đã giúp các ngân hàng giãn được nợ xấu đáng kể thời gian qua. Số liệu mới nhất từ phía Ngân hàng Nhà nước công bố hồi cuối tháng 6 vừa qua cho thấy, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã về gần 2%, trong khi nợ xấu bao gồm cả nợ tiềm ẩn và nợ đã bán cho VAMC cũng chỉ còn 5,88%/năm, thay vì mức hơn 10% cách đây 3 năm.

Dẫu vậy, nợ xấu toàn hệ thống giảm không có nghĩa là nợ xấu ở ngân hàng nào cũng thấp, và người ta nhìn thấy hai nhóm rõ rệt. Một là ở các nhà băng dám đối diện nợ xấu, phân loại một cách "thẳng tay" và chấp nhận hi sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng mấy năm qua, bên cạnh việc kiểm soát chặt chất lượng nợ mới phát sinh, nay đã có thể kê cao gối hưởng thụ thành quả khi các khoản nợ cũ thu hồi được bao nhiêu thì đổ về lợi nhuận bấy nhiêu, xấu nhất là không thu hồi được thì cũng chẳng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Còn một nhóm các ngân hàng bấy lâu vẫn khư khư giữ lợi nhuận mà hạn chế trích lập dự phòng, tiếp tục chạy theo các khoản tín dụng rủi ro để hưởng lợi cao bất chấp hậu quả nhãn tiền là nợ xấu cao.

Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu quanh 1%

Thống kê từ báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2018 cho thấy, trong số 17 ngân hàng đã lên sàn thì đa số kiểm soát tốt nợ xấu ở dưới 2%, đặc biệt có nhiều ngân hàng nợ xấu chỉ trên dưới 1% chẳng hạn như ACB tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,73%, Vietcombank là 0,97%, MBBank ở mức 1,33%, HDBank tại 0,97% riêng lẻ ngân hàng và 1,53% nếu bao gồm công ty tài chính tiêu dùng HDSaison, còn TPBank thì ở mức 1,89%. Đến quý 1/2019, các ngân hàng tiếp tục nỗ lực xử lý nợ xấu, một số cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể như, HDBank hay ACB, Vietcombank.

Trong số các ngân hàng nói trên, trường hợp của HDBank khác một chút so với nhóm còn lại đó là ngân hàng còn có công ty tài chính tiêu dùng HDSaison. Mặc dù khu vực tài chính tiêu dùng mặt bằng chung tỷ lệ nợ xấu thường ở mức cao, nhưng tỷ lệ nợ xấu hợp nhất cả ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng cũng chỉ dưới 1,5%. Riêng ngân hàng thì nợ xấu ở mức 0,97% và kiểm soát dưới 1% suốt nhiều năm qua. 

Nợ xấu ngân hàng: Nơi kê cao gối nằm, chỗ đứng ngồi không yên - Ảnh 1.

Tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng chỉ ở mức trên dưới 1% (nguồn: BCTC năm 2018 và quý 1/2019)

Nhờ nỗ lực xử lý nợ xấu và mạnh tay trích lập dự phòng nên các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp cũng thuộc nhóm tăng trưởng lợi nhuận rất cao. Năm 2018, Vietcombank, Techcombank, HDBank và TPBank cùng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận hơn 60%. Theo lời ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch Vietcombank, ngân hàng đã trích lập dự phòng với tỷ lệ bao nợ xấu rất lớn - ở mức 170%, vậy nên ngân hàng bây giờ muốn nợ xấu thấp ở mức bao nhiêu cũng được. Còn lãnh đạo ACB và HDBank thì cùng chung ý kiến rằng việc thẳng thắn nhìn nhận và cắt gọt nợ xấu các năm trước giúp các nhà băng không còn phải áy náy với dự phòng các khoản nợ cũ, giờ đây chỉ cần kiểm soát nợ mới tốt, nên làm được bao nhiêu là có thể hưởng thành quả gần như bấy nhiêu.

Không ít ngân hàng vẫn đứng ngồi không yên

Trong khi ở một số ngân hàng, nợ xấu đã được ghi nhận thẳng thắn và mạnh tay xử lý, thì ở không ít nơi vẫn còn là gánh nặng lớn. Bởi lẽ, để xử lý được nợ xấu, các ngân hàng cần phải có nguồn lực thực sự từ lợi nhuận, song trên thị trường vẫn còn không ít các ngân hàng nhìn thì có vẻ rất lớn (vốn, tổng tài sản), nhưng kết quả kinh doanh lại không bằng các ngân hàng tầm trung, với doanh thu chỉ vài nghìn tỷ và lợi nhuận thì được vài ba trăm tỷ đồng, các hệ số sinh lời trên vốn ROE và tài sản ROA ở mức vô cùng thấp.

Bên cạnh đó, mối lo lớn hơn nữa ấy là các khoản nợ đã bán cho VAMC, sau thời gian "gửi" VAMC để đổi lấy trái phiếu đặc biệt giai đoạn 2014 -2015 thì đến nay lại quay vòng trở về ngân hàng bởi thời hạn của số trái phiếu này chỉ là 5 năm (ngoại trừ các trường hợp đang tái cơ cấu được kỳ hạn 10 năm). 

Nếu như những nhà băng nào đã dùng lợi nhuận để mua lại hết các khoản nợ bán cho VAMC như Vietcombank, MBBank, VIB, Techcombank giờ đây có thể "kê cao gối". Còn những ngân hàng chưa có đủ lực để mua lại số nợ xấu đã bán cho VAMC, có nơi tới hàng chục nghìn tỷ, thì còn phải mất nhiều năm làm ăn cật lực nữa mới có thể xóa được đống nợ này. Số liệu thống kê cho thấy, trong số hơn 20 ngân hàng đã công bố báo cáo kiểm toán 2018 thì có tới hơn 125.000 tỷ đồng nợ xấu bán cho VAMC, trong đó dẫn đầu là Sacombank với hơn 40.000 tỷ; SCB hơn 26.600 tỷ; BIDV trên 14.100 tỷ và VietinBank cũng đến 13.400 tỷ…

Trong khi nợ xấu ngày một lớn ở không ít các ngân hàng khiến họ phải nỗ lực nhiều hơn trong kinh doanh - vốn rất khó khăn vì cạnh tranh ngày càng mạnh - thì những khó khăn về chính sách xử lý nợ cũng làm họ phải đau đầu. Như Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu thời gian qua phần nào giúp các ngân hàng giải tỏa được gánh nặng, song những vướng mắc chưa tháo gỡ được (chẳng hạn tài sản thế chấp là bất động sản khó khi sang tên, đổi chủ …) khiến cho hiệu quả xử lý nợ còn rất thấp so với kỳ vọng. Lãnh đạo một số ngân hàng thừa nhận, nếu thời gian tới các khó khăn về xử lý nợ chưa được tháo gỡ thì mục tiêu thu hồi và giảm nợ xấu của nhiều ngân hàng vẫn chỉ là ước mơ mà thôi.

Nguồn: