Nỗi lo của nhân viên ngân hàng thời Covid-19

23/11/2024
Vẫn biết trong thời buổi khó khăn, không chỉ riêng ngành ngân hàng, các ngành nghề khác cũng phải cho nhân viên nghỉ không lương, thậm chí là nghỉ việc...

Nếu như ngành y tế là tiền tuyến của mặt trận phòng chống Covid -19, thì ngành ngân hàng cũng xứng đáng là hậu phương với nhiệm vụ kinh tế, chính trị và xã hội lớn lao. Nhiệm vụ của ngành ngân hàng hiện tại, không phải là các kế hoạch kinh doanh hoành tráng mà quan trọng hơn hết vẫn là ổn định kinh tế xã hội, khơi thông dòng trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, nhu yếu phẩm kịp thời để phục vụ công tác phòng chống dịch. Mặc dù có những chỉ đạo hết sức sát sao và quyết liệt từ lãnh đạo các nhà băng, tuy nhiên ngành ngân hàng vẫn đang ngổn ngang thời covid...

Khi các ngành kinh doanh khác đang thấm dần sự ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động kinh doanh phải tạm thời đóng cửa hoặc suy giảm nghiêm trọng thì các ngân hàng đang ngay ngáy vấn đề giảm lãi suất cho khách hàng và nỗi lo nợ quá hạn. Việc cơ cấu nợ, giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình hình dịch bệnh cho các nhóm khách hàng ngành nghề ưu tiên cũng như ngành nghề khác như du lịch, kinh doanh vận tải, nhà hàng, khách sạn, nông sản, tiểu thương,...là nhiệm vụ cấp bách và mang tính nhân văn trong thời buổi khó khăn. Và đó cũng là nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước phải có hướng hỗ trợ tận tâm và kịp thời cho khách hàng bước qua mùa dịch.

Thực tế, hầu hết khách hàng tiền vay đều quan tâm và đặt vấn đề giảm lãi suất với các ngân hàng. Thậm chí có nhiều trường hợp vay tiêu dùng, tín chấp (không phải vay mục đích sản xuất kinh doanh) cũng đề nghị được giảm lãi. Đương nhiên, các ngân hàng cũng thấu hiểu và chia sẻ với từng hoàn cảnh khác nhau của khách hàng. Nhưng nhu cầu giảm lãi suất của khách hàng dường như vượt quá khả năng riêng lẻ của từng ngân hàng nếu không có một gói giải pháp đồng bộ của NHNN để triển khai trong toàn ngành. Vì đơn giản, một khi không thể giảm lãi suất của những khách hàng đã và đang gửi tiền thì cũng khó đủ nguồn lực để giảm lãi suất cho tất cả khách hàng tiền vay với kỳ hạn tương ứng. Và có lẽ các ngân hàng vẫn đang canh cánh, trăn trở bài toán về lãi suất tín dụng sao cho hài hòa, vừa đảm bảo quyền lợi khách hàng, vừa hạn chế thấp nhất nợ xấu phát sinh nhưng cũng vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh là điều không đơn giản.

Trong công tác quản trị nội bộ, các ngân hàng cũng ngổn ngang nhiều nhiệm vụ. Nào là làm sao để tiết giảm chi phí để đảm bảo hiệu quả hoạt động trong thời điểm khó khăn chung khi mà các nguồn thu về tín dụng, dịch vụ,... giảm dần. Nào là phải xây dựng phương án phòng, chống và ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh, kể cả trong trường hợp xấu nhất phải đóng cửa điểm giao dịch và cách ly nhân viên. Nào là xây dựng phương án nhân sự nghỉ luân phiên để đảm bảo nhân sự thay thế trong tình huống cấp bách. Nào là kiểm chứng năng lực, thanh lọc nhân sự yếu kém thông qua "sức chiến đấu" và tinh thần làm việc trong mùa dịch,...

Và còn biết bao nhiêu là những việc nào là...như thế. Khi thông điệp của NHNN phát ra về việc xem xét giảm lương, thưởng của nhân viên cũng là vấn đề các nhà băng phải cân nhắc. Trong bối cảnh hiện tại, nhiều nhân viên các ngân hàng đang nghỉ luân phiên, khối lượng và áp lực công việc càng tăng; nhân viên còn lại phải ra sức phục vụ khách hàng bất chấp hiểm nguy có thể bị lây nhiễm... Và các ngân hàng hoàn toàn thấu hiểu áp lực, lo toan của nhân viên khi làm việc. Với ngành y, khi "ra trận" ở tuyến đầu chống dịch luôn được động viên về tinh thần và chế độ đãi ngộ. Việc cắt giảm lương nhân viên ngân hàng trong tình hình này là việc chẳng đặng đừng và không lãnh đạo nhà băng nào mong muốn. Vì thật ra, lương nhân viên ngân hàng đâu đó chỉ tầm 6 – 10 triệu đồng/tháng (không tính cấp lãnh đạo, vì phần lớn dân trong ngành ngân hàng vẫn là nhân viên). Thêm vào đó, với chính sách luân phiên cho nhân viên nghỉ "dưỡng sức" thì đã tác động ngay đến việc giảm thu nhập của nhân viên ngân hàng (vì nếu không còn phép năm thì bắt buộc phải nghỉ không lương). 

Vẫn biết trong thời buổi khó khăn, không chỉ riêng ngành ngân hàng, các ngành nghề khác cũng phải cho nhân viên nghỉ không lương, thậm chí là nghỉ việc. Tuy nhiên, ngành ngân hàng cũng là một ngành đặc thù và có vai trò rất quan trọng trong công tác ổn định kinh tế, chính trị và xã hội. Vì vậy, các ngâ hàng cần đánh giá phù hợp trước khi đưa ra một quyết sách về chế độ tiền lương đối với nhân viên. Đó là chưa kể các nếu không xử lý tốt, các ngân hàng có thể bị chảy máu chất xám ngay khi mùa dịch chưa kết thúc. (Vì tiền lương và chế độ đãi ngộ của các ngân hàng là khác nhau, không phải mùa dịch bệnh là tất cả ngân hàng đều không tuyển dụng người tài).

Nỗi lo của nhân viên ngân hàng thời Covid-19 - Ảnh 1.

Trong mùa dịch Covid, hầu hết các ngân hàng đều chưa thể tổ chức Đại hội cổ đông thường niên để quyết các vấn đề quan trọng về kế hoạch, định hướng kinh doanh cũng như vấn đề nhân sự. Và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các nhà băng.

Rồi câu chuyện về vấn đề an ninh, phòng chống cướp trong thời buổi chống dịch bệnh cũng là điều các ngân hàng phải lưu tâm. Vì một khi cắt giảm nhân sự nghỉ luân phiên, nhân sự các ngân hàng đã mỏng lại càng mỏng thêm. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, thất nghiệp,...cũng là thời điểm cần cảnh giác cao độ với tội phạm cướp ngân hàng. Dường như thời gian gần đây, phần lớn nhân viên bảo vệ các ngân hàng quan tâm vấn đề đo thân nhiệt, phát khẩu trang, nước rửa tay cho khách hàng nhiều hơn là công tác cảnh giác và đảm bảo an ninh. Hiện nay, tất cả khách hàng ra vào ngân hàng đều mang khẩu trang, che kín mít thì việc cảnh giác không bao giờ là thừa. Vì hẳn chúng ta vẫn còn nhớ hàng loạt vụ cướp ngân hàng trong những năm qua và gần đây nhất là vụ cướp diễn ra tại cửa hàng bách hóa Xanh tại địa bàn quận Tân Phú (TP. HCM) vào 21h55 ngày 27/03/2020 – diễn ra ngay trong mùa dịch.

Với tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh hiện nay, kinh tế trong và ngoài nước trầm lắng, bức tranh kinh doanh năm 2020 của ngành ngân hàng cũng chẳng mấy sáng sủa. Các ngân hàng cũng bắt đầu rục rịch đánh giá, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với tình hình khó khăn chung. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong bối cảnh này, các sales ngân hàng cũng rất khó bán hàng. Vì điều khách hàng quan tâm bây giờ vẫn là vấn đề nhu yếu phẩm cần thiết, vấn đề ổn định trong mùa dịch trước khi nghĩ đến các món hàng xa xỉ như thẻ tín dụng, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hay du học,...Và trong tình hình khó khăn này, các ngân hàng cũng không có đủ cơ sở để đánh giá năng lực nhân viên khi không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh. Và chính tâm lý đó, nếu không có phương pháp quản trị phù hợp, các ngân hàng rất khó để nâng cao năng suất lao động của bộ máy khi mà "sức ì vì covid" đang bắt đầu diễn ra trong mỗi banker,...

Dù muốn, dù không, các ngân hàng vẫn phải giải quyết hàng loạt thách thức bên trong và bên ngoài; phải đối diện và xử lý những khó khăn còn đang ngổn ngang như thế. Tuy nhiên, như đã nói, không riêng ngành ngân hàng mà tất cả các ngành nghề đều đang bắt đầu "thấm" vì sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Và trong hoàn cảnh này, rất cần bản lĩnh của lãnh đạo các ngân hàng, cũng như của từng banker để giúp ngành ngân hàng ứng phó và vượt qua thách thức. Vì tài năng và bản lĩnh thực thụ của mỗi banker chỉ xuất hiện trong những điều kiện khó khăn và khắc nghiệt nhất.


Nguồn: