OCB triển khai cuộc thi OCB Open API Challenge 2020

26/11/2024
Cuộc thi về các giải pháp ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực Ngân hàng thông qua nền tảng Open API lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam diễn ra từ 07/09 – 28/11/2020.

Đối tượng tham gia cuộc thi OCB Open API Challenge 2020 là các đội, nhóm startup, công ty công nghệ, fintech, công ty cung cấp các giải pháp ERP, tổ chức, doanh nghiệp đa lĩnh vực... mong muốn phát triển sản phẩm mới trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thông qua nền tảng Open API.

Vòng sơ loại và tuyển chọn dự kiến bắt đầu từ ngày 7/9 trên toàn quốc. Vòng phỏng vấn và chung kết sẽ diễn ra tại TP HCM và kết thúc vào ngày 28/11. Với bốn chủ đề chính: Phát triển khách hàng; Tiết kiệm hoặc tích lũy online; Thanh toán; và các lĩnh vực khác (vay, thẻ, bảo hiểm, day-to-day banking…)

Giải thưởng tiền mặt cuộc thi gồm giải tiềm năng trị giá 20 triệu đồng/ giải, giải đột phá 50 triệu đồng. Ngoài ra, ứng viên tham dự còn có cơ hội hợp tác với OCB cung cấp giải pháp cho hệ khách hàng OCB OMNI, cũng như thương mại hóa ra thị trường. Thể lệ chi tiết đăng tải trên website OCB.

OCB triển khai cuộc thi OCB Open API Challenge 2020 - Ảnh 1.

Theo lãnh đạo OCB, thông qua cuộc thi này, thị trường tài chính nói chung và OCB nói riêng sẽ có thêm nhiều các sản phẩm, giải pháp tài chính số đột phá mới, mang yếu tố trải nghiệm cao và nhiều giá trị cho khách hàng. Song song đó, cuộc thi này sẽ là cơ hội để cộng đồng các công ty công nghệ, Fintech, các bạn sinh viên mạnh dạn hơn trong việc hợp tác với Ngân hàng để sáng tạo, đưa ra nhiều sản phẩm tài chính mới cho thị trường.

Ban tổ chức cũng kỳ vọng cuộc thi sẽ giúp quảng bá hệ thống, tiện ích của Open API, cải thiện bất cập của việc kết nối một - một từ hệ thống cũ (Close API) và trở thành sự kiện nổi bật của ngành ngân hàng trong năm 2020, mang đến những sản phẩm mới, nhiều tiện ích và đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Cuộc đua chuyển đổi số của các ngân hàng đang diễn ra với tốc độ nhanh. Nói như nhận định của các chuyên gia cũng như các lãnh đạo ngân hàng thì nhà băng nào nhanh nhạy, biết nắm bắt cơ hội và đi tiên phong sẽ dành chiến thắng trong công cuộc cạnh tranh thời đại 4.0 này, chứ không phải lợi thế thuộc về những ngân hàng lớn, mạnh như trước đây.

OCB triển khai cuộc thi OCB Open API Challenge 2020 - Ảnh 2.

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng OCB

Là một trong những ngân hàng đi sớm về số hóa với OCB OMNI - nền tảng ngân hàng hợp kênh, OCB giờ đây tiếp tục tạo dấu ấn với thị trường khi có những bước đi nhanh hơn trong công cuộc chuyển đổi số với kỳ vọng sẽ tạo ra thêm nhiều sản phẩm tài chính dẫn đầu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Thời điểm cuối năm 2019, OCB đã triển khai thành công Open API, nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng mở - Open Banking. Đây là xu hướng mới nổi trong ngành tài chính, cung cấp nhiều loại dịch vụ mới và đang dần thay đổi mô hình ngân hàng bán lẻ truyền thống ở Việt Nam.

Open Banking là mô hình của ngân hàng cho phép bên thứ ba là các tổ chức tài chính khác, các công ty Fintech, các doanh nghiệp… kết nối với hệ thống của ngân hàng thông qua Open API. Nhờ kết nối trực tiếp, ngân hàng và đối tác có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng ngay trên hệ thống của mình mà không cần vào ứng dụng ngân hang, cùng tiếp cận khách hàng mới và bán chéo sản phẩm dịch vụ; Gia tăng sản phẩm dịch vụ mới ứng dụng công nghệ hiện đại; Giảm thời gian và chi phí xử lý giao dịch.

Đến nay, OCB đã đưa vào hoạt động hơn 33 APIs như tài khoản, tiết kiệm, chuyển tiền, thanh toán…, và đã kết nối thành công với một số đối tác quan trọng của OCB. Ngân hàng cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai mô hình này với các đối tác có hệ sinh thái lớn trong nhiều lĩnh vực đa dạng như bán lẻ, thương mại điện tử, thanh toán, vận tải, bất động sản, du lịch, y tế, bảo hiểm, tài chính, chứng khoán hay các công ty cung cấp giải pháp công nghệ, công ty Fintech để phát triển sản phẩm tài chính có nhiều yếu tố sáng tạo và mới tại Việt Nam. Như vậy Open API đã thực sự mở ra những cơ hội hợp tác đầy tiềm năng và không biên giới cho OCB và các đối tác.


Nguồn: