Ông Nghiêm Xuân Thành: Hiệu suất sinh lời của Vietcombank đã ngang tầm các ngân hàng tiên tiến thế giới

22/11/2024
Việc một ngân hàng thương mại của Việt Nam vượt qua được những điều kiện khắt khe để được các cơ quan quản lý Mỹ cấp phép hoạt động cho thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam đã thực sự hội nhập và đáp ứng nhiều chuẩn mực quốc tế.

Ngày 01/11 vừa qua tại thành phố New York, Mỹ, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã khai trương hoạt động Văn phòng đại diện (VPĐD) tại Mỹ. Trụ sở VPĐD của Vietcombank được đặt tại Phòng 1428, tòa nhà One Rockefeller Plaza, thuộc khu Trung tâm Manhattan, Thành phố New York -Tiểu bang New York, Mỹ.

Được biết văn phòng này sẽ thực hiện các chức năng bao gồm: kết nối với khách hàng hiện hữu và tiềm năng tại thị trường Mỹ; thực hiện báo cáo phân tích thị trường và ngành tài chính - ngân hàng; hỗ trợ duy trì quan hệ với các định chế tài chính tại Mỹ; tham dự hội nghị, hội thảo kinh doanh để thiết lập các mối quan hệ nhằm hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank cũng như tạo cầu nối quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp là đối tác của ngân hàng này trong các quan hệ đầu tư, kinh doanh tại thị trường Mỹ.

Ông Trần Việt Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Văn phòng đại diện Vietcombank tại Mỹ.

VPĐD của Vietcombank tại Mỹ khai trương đã bổ sung vào mạng lưới hoạt động tại nước ngoài của Vietcombank gồm: Công ty tài chính tại Hồng Kông, Công ty chuyển tiền tại Mỹ, Văn phòng đại diện tại Singapore, Ngân hàng con tại Lào. Ngoài ra, trong tháng 10/2019 Vietcombank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận thành lập Chi nhánh tại Úc.

Sự kiện này đã tiếp tục khẳng định những nỗ lực vượt bậc của Vietcombank trong đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để phát triển theo chiến lược đã đề ra đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, có đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam.

Chia sẻ về chặng đường đến ngày thành lập VPĐD, ông Nghiêm Xuân Thành –Chủ tịch HĐQT cho biết, sau 3 năm chuẩn bị, năm 2017, trên cơ sở sự phê duyệt của NHNN Việt Nam, Vietcombank chính thức khởi động quá trình triển khai các thủ tục để thành lập VPĐD tại Mỹ. Với sự hỗ trợ chuyên nghiệp của các tư vấn luật trong nước và quốc tế, cùng nỗ lực vào cuộc tập trung của đội ngũ cán bộ Vietcombank, sau thời gian thẩm định khắt khe, chuyên nghiệp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã chính thức phê duyệt hồ sơ xin cấp phép thành lập vào ngày 26/10/2018. Tiếp đó, vào ngày 17/06/2019, Vietcombank được Cơ quan Quản lý Tài chính Tiểu bang New York (NYDFS) ban hành Giấy phép hoạt động cho VPĐD của Vietcombank tại Mỹ.

"Việc một ngân hàng thương mại của Việt Nam vượt qua được những điều kiện khắt khe để được các cơ quan quản lý Hoa Kỳ cấp phép hoạt động cho thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam đã thực sự hội nhập và đáp ứng nhiều chuẩn mực quốc tế" – ông Thành nói.

Trải qua hơn 56 năm thành lập và phát triển, Vietcombank hiện nay là ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu tại Việt Nam với tổng tài sản trên 45 tỷ USD và là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam có lợi nhuận hợp nhất trước thuế vượt mốc 800 triệu USD năm 2018, là mức bứt phá kỷ lục tại thị trường Việt Nam. Chủ tịch Vietcombank cho biết, cơ cấu thu nhập và hiệu suất sinh lời của Vietcombank hiện đã tiệm cận với ngưỡng quốc tế và ngang tầm với các ngân hàng tiên tiến trên thế giới. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên đáp ứng chuẩn mực Basel II tại Việt Nam được NHNN Việt Nam công nhận vào tháng 11/2018.

Vietcombank đồng thời là ngân hàng có giá trị vốn hóa cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam; môi trường làm việc được đánh giá thuộc nhóm tốt nhất Việt Nam; là ngân hàng đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước và đi đầu trong thực hiện công tác an sinh xã hội.

Hiện nay Vietcombank có mạng lưới hoạt động rộng khắp lãnh thổ Việt Nam với trên 17.000 cán bộ, nhân viên, bao gồm Trụ sở chính tại Hà Nội và trên 550 chi nhánh, Phòng giao dịch trên phạm vi cả nước, 2 Đơn vị sự nghiệp (Trung tâm đào tạo và Trung tâm xử lý tiền mặt); 3 Công ty con 100% vốn trong nước hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, cho thuê tài chính, kiều hối.

Nguồn: