Ông Trần Quốc Vượng: Cán bộ của Ngân hàng CSXH phải gần dân, sát dân, biết được yêu cầu của dân để phục vụ

23/11/2024
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho biết, thời gian qua Chỉ thị 40 đã đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về tín dụng chính sách xã hội ngày 15/7, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho biết, sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực, với vốn tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai khá sâu rộng đến các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách do ngân sách của địa phương uỷ thác để cho vay và lưu động vốn của xã hội đã đạt được mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với trước khi có Chỉ thị 40.

Chính sách tín dụng xã hội đã thành một trong những trụ cột quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng được nguồn vốn, nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ đó giai đoạn 2014 - 2019, số hộ nghèo đã giảm nhanh, góp phần ngăn chặn từng bước đẩy lùi "tín dụng đen", thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp nông thôn.

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 đã đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, là một trong những đòn bẩy kinh tế góp phần phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách, các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị xã hội, trật tự an toàn xã hội, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới.

Đạt được kết quả trên, theo Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, có một số nguyên nhân chủ quan như sau:

Một là, các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp đã tổ chức quán triệt đến các chủ chốt về vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, quan tâm đúng, thường xuyên, sâu sát các hoạt động chính sách xã hội. Hoạt động tín dụng xã hội đã được vào cuộc một cách tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, tạo được niềm tin, sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân. Điều đó rút ra một điều là chủ trương của chúng ta đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, và được quyết tâm tổ chức thực hiện thì sẽ phối hợp được.

Hai là, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực này. Giai đoạn 2014-2019 mặc dù nguồn lực còn nhiều hạn chế nhưng Nhà nước đã quan tâm ưu tiên bảo đảm nguồn vốn hoạt động cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp vốn bổ sung điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, vốn các chương trình tín dụng hàng năm, cho vay các nguồn vốn ưu tiên, ưu đãi thời hạn dài để cải thiện nguồn vốn theo yêu cầu của địa phương. Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng nhà nước, duy trì số dư tiền gửi 2% trên nguồn vốn huy động. Các địa phương đã ưu tiên cân đối bổ sung nguồn vốn ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội đã vận động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, phổ biến đầy đủ kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Mặt trận tổ quốc các cấp đã chú ý giám sát chủ trương quan trọng này.

Bốn là, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được củng cố, kiện toàn và hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chất lượng hoạt động đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc huy động quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn.

Năm là, công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Chỉ thị 40 được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp các cơ quan thực hiện tốt, góp phần đưa Chỉ thị 40 nhanh đi vào cuộc sống.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, theo Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, việc thực hiện Chỉ thị 40 vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm cần tập trung khắc phục sớm trong thời gian tới.

"Cho đến nay, chúng ta có thể khẳng định rằng các quan điểm nhiệm vụ, chủ trương, giải pháp đã đưa tại Chỉ thị 40 của Ban Bí thư vẫn còn nguyên giá trị chỉ đạo thực tiễn. Vì vậy yêu cầu đặt ra cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước ta trong thời gian tới. Đề nghị Ban Kinh tế Trung ương cần tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại Hội nghị, cùng với kết quả sơ kết để đề xuất kiến nghị với Ban Bí thư ban hành kết luận về tiếp tục thực hiện chỉ thị 40, trong đó cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung những nhiệm vụ giải pháp cụ thể khả thi, nhân rộng cách làm hay mô hình mới, sáng tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới" - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Ông đồng thời lưu ý một số điểm:

Thứ nhất, hiện nay tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến rất nhanh chóng phức tạp, khó lường, đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức, như là dịch bệnh covid 19, dịch tả lợn châu phi, v..v… Biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất kinh doanh của nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, các hộ dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía bắc, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu vùng xa, các vùng đặc biệt khó khăn. Trong bối cảnh đó phải tập trung sức làm tốt hơn nữa công tác tín dụng chính sách xã hội để hỗ trợ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn cho người nghèo, người yếu thế có ý nghĩa rất quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Muốn vậy phải có sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp. Sự trung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, của toàn xã hội chúng ta.

Thứ hai, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc thực hiện ngày càng tốt hơn nữa chủ trương, quan điểm đã nêu trong Chỉ thị. Tín dụng chính sách xã hội có NHCSXH thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có kết quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo chỉ đạo với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong kế hoạch hàng năm, hàng tháng của mình.

MTTQVN, đoàn thể chính tri xã hội các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng CSXH đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách. Nâng cao hơn nữa kết quả, hiệu quả của giám sát toàn dân đối với công tác này. Đồng thời mặt trận các cấp cần mở rộng cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, của doanh nghiệp, doanh nhân để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng CSXH.

Thứ ba, tập trung lãnh đạo chỉ đạo, nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả hoạt động của ngân sách Ngân hàng CSXH, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, và chăm lo ngày càng tốt hơn đến đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động của ngân hàng CSXH. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến đạo đức nghề nghiệp, cán bộ của ngân hàng CSXH phải gần dân, sát dân, biết được yêu cầu của dân để phục vụ, bởi những cán bộ tiếp xúc với dân là hình ảnh của Đảng, nhà nước. "Nhân dân tin Đảng, tin xã hội chính là tin các đồng chí. Mình làm với một ý nghĩa chính trị như vậy thì mới thấy được thấy thực sự có vai trò. Tôi rất muốn Ngân hàng CSXH phải giáo dục anh em thấm nhuần cái tinh thần này" - ông nói. 

Bên cạnh đó, Cấp ủy, chính quyền các cấp cần hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn được giao, được ủy thác, không để xảy rat ham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội đồng thời tích cực góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nguồn: