Ông Vương Đình Huệ đóng vai trò quan trọng trong xử lý “cục máu đông” của nền kinh tế

27/11/2024
Tái cơ cấu ngân hàng là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế - một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã đạt được kết quả cao trong nhiệm kỳ vừa qua, mà trong đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có những đóng góp không nhỏ.

Sáng 11/6, Quốc hội đã hoàn thành thủ tục miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021 đối với ông Vương Đình Huệ. Cách đây 4 tháng, ông được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Bí thư Thành uỷ Hà Nội.

Nhắc đến ông Vương Đình Huệ, người ta nhớ đến hình ảnh một Phó Thủ tướng luôn đau đáu với những vấn đề kinh tế của đất nước. 4 năm ở Chính phủ, ông được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ phụ trách mảng kinh tế- tài chính. Cá nhân ông Vương Đình Huệ cùng với tập thể Thường trực Chính phủ và Chính phủ đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong củng cố và phát triển kinh tế vĩ mô vững chắc, góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất trong thập kỷ này.

Còn nhớ, thời gian đầu nhiệm kỳ Chính phủ của Quốc hội khoá XIII, chỉ số nợ công của quốc gia liên tục tăng, sát trần Quốc hội cho phép khi đạt mức 64,73% GDP, nợ Chính phủ vượt trần, đạt 53,62% GDP, cơ cấu nợ chủ yếu là nợ vay ngoài nước, thời gian vay ngắn, lãi suất cao, nợ xấu ngân hàng tăng cao và được ví như "cục máu đông" ... đã gây ra áp lực rất lớn. Khi đó, tại nhiều hội thảo, hội nghị về kinh tế, những con số này được đưa ra bàn thảo và là thách thức đối với các chuyên gia kinh tế.

Trước nhiệm vụ đặt ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhiều lần họp với Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm cơ cấu lại nợ công, kéo giảm tỷ lệ nợ công và áp lực trả nợ.

Nợ công của Việt Nam về mức an toàn

Kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua là tích cực, khi tốc độ tăng dư nợ công chỉ khoảng 8%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019 so với mức tăng 18% của giai đoạn 2011 - 2015. Vì thế, tỷ lệ nợ công trong 4 năm qua đều giảm qua từng năm và giảm sâu so với mức trần 65% GDP mà Quốc hội phê duyệt. Cuối năm 2019 nợ công chỉ còn khoảng 55% GDP. Song song với đó, cơ cấu vay nợ chuyển dịch dần theo hướng tăng vay trong nước giảm rủi ro tỷ giá, hỗ trợ phát triển thị trường vốn trong nước. Năm 2011 dư nợ vay nước ngoài chiếm hơn 61%, hay năm 2016 là 60,1% dư nợ chính phủ thì đến nay đã đảo chiều, tỷ trọng vay trong nước cuối năm 2019 đạt 62,3% tổng dư nợ của Chính phủ.

ĐBQH Trần Quang Chiểu - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, ông đánh giá rất cao vai trò của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ ở nhiệm kỳ qua, bởi những kết quả tích cực đã chứng minh rằng các quyết sách Phó Thủ tướng đưa ra là đúng quy luật khách quan và được phát huy. Đó là các quyết sách của người vốn được đào tạo bài bản về tài chính, có cơ sở lý luận thực tiễn.

Về chính sách tài khóa, ĐBQH Trần Quang Chiểu nhận định, thời điểm này không những ổn định mà ngày càng vững chắc. Thu ngân sách nhà nước tăng qua các năm, với tốc độ tăng thu ngân sách cao hơn tốc độ tăng trưởng CPI và tốc độ tăng trưởng GDP. Trong đó, thu nội địa chiếm trên 80% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Ông Vương Đình Huệ đóng vai trò quan trọng trong xử lý “cục máu đông” của nền kinh tế - Ảnh 1.

Ông Vương Đình Huệ hiện giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội

"Lần đầu tiên trong suốt nhiều nhiệm kỳ từ trước tới nay, thu nội địa không chỉ đủ chi thường xuyên mà còn một phần để đầu tư. Những nhiệm kỳ trước, thu nội địa chưa bao giờ đủ chi thường xuyên mà còn phải đi vay để chi. Chi thường xuyên đến thời điểm này cũng đã giảm. Tỷ trọng thu-chi cho đầu tư phát triển mỗi năm đều tăng khoảng 8-10%. Theo đó, bội chị ngân sách của Việt Nam giảm rất nhanh. Từ những năm đầu nhiệm kỳ  là 5%, đến hết năm 2019 chỉ còn 3,34%", ĐBQH Trần Quang Chiểu cho hay.

Theo ĐBQH đoàn Nam Định, với kết quả trên, nợ công của Việt Nam cũng đã giảm hẳn, về mức an toàn, thay vì mức trong giới hạn cho phép trước đây.

Cụ thể, trước đây, tốc độ nợ công của Việt Nam là 18-19/năm (từ năm 2010 đến 2015), tỷ lệ nợ công có những năm sát ngưỡng 65% GDP. Dù vậy, từ năm 2016 đến nay tốc độ tăng nợ công giảm dần và rất thấp, tỷ lệ nợ công từ 2016 đến nay chỉ chiếm khoảng 55% GDP trong khi đó Quốc hội cho phép đến 65%.

Không những thế, các dự án vay trong nhiệm kỳ vừa rồi đều có hiệu quả chứ không có tình trạng kém hiệu quả như trước đây. Cùng với đó, cơ cấu nợ được cải thiện đáng kể, kỳ hạn vay kéo dài, lãi suất cũng giảm xuống.

"Những kết quả bước đầu trong việc kiểm soát nợ công, bội chi này đã góp phần quan trọng đáng kể trong việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn được quyền lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn lãi suất chứ không phải vay bằng mọi giá như trước đây", ĐBQH Trần Quang Chiểu nói.

Xử lý nợ xấu nhanh và chắc

Theo vị đại biểu đoàn Nam Định, thì nợ xấu từng được xem là điểm nghẽn, cục máu đông trong nền kinh tế, làm giảm việc cung ứng vốn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng được coi là một trong những điểm sáng của công tác lập pháp khoá này. Bên cạnh đó, ông Vương Đình Huệ cũng  có nhiều đóng góp trong xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, tăng năng lực cho các ngân hàng bằng việc Quốc hội và Chính phủ chấp thuận tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng cổ phần thương mại nhà nước, bổ sung vốn điều lệ cho VAMC. Kết quả qua quá trình triển khai là nợ xấu giảm từ 10,08% vào năm 2012 xuống chỉ còn 1,89% cuối năm 2019 ở mức bình thường, nếu tính cả nợ xấu ngoại bảng (đang nằm ở VAMC) thì cũng chưa tới 5% tổng dư nợ.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 2 năm (từ tháng 8/2017 - tháng 8/2019), mỗi tháng có 9.600 tỷ đồng nợ xấu được xử lý, cao hơn 4.700 tỷ đồng so với bình quân hàng tháng thời kỳ trước khi có Nghị quyết 42. Cũng trong thời gian này, toàn hệ thống xử lý được 305,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu (chiếm gần 60% tổng số nợ xấu), không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm ngoái, Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội với các quy định về thu hồi và bán tài sản thế chấp, tái cơ cấu và bán nợ xấu,… được triển khai giúp các tổ chức tín dụng và VAMC đẩy mạnh xử lý nợ xấu.

"Tôi đánh giá cao việc này bởi nếu chúng ta không xử lý được nợ xấu thì sẽ ách tắc trong quá trình cho doanh nghiệp vay vốn. Xử lý được nợ xấu nghĩa là chúng ta đã giải phóng được vốn tín dụng. Đây mới là ý nghĩa quan trọng", ĐBQH Trần Quang Chiểu nhấn mạnh.

Một điểm nữa được ĐBQH Trần Quang Chiểu đánh giá cao là Chính phủ đã điều hành cung ứng đủ và gắn chặt hiệu quả vốn tín dụng từ đó góp phần tích cực trong ổn đinh kinh tế vĩ mô. Điều hành tăng trưởng tín dụng gắn với cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như tín dụng nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay khối tư nhân… Đến nay tín dụng chỉ tăng xung quanh 15% mỗi năm nhưng vẫn hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tín dụng cho "tam nông" chiếm 25%, doanh nghiệp nhỏ và vừa 18%. Có thể nói tín dụng trong giai đoạn hiện nay là chất lượng, an toàn, hiệu quả.

Về thị trường vốn, trước năm 2016 thì tỷ lệ vốn thị trường chứng khoán tham gia nền kinh tế chỉ xung quanh 3-4% tổng nguồn vốn cho nền kinh tế nhưng bây giờ đã chiếm 18% - 20%. "Đây là thành công rất lớn trong thị trường vốn của chúng ta, trong đó có vai trò của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Đạt được thành tích như hôm nay là có cả sự đóng góp của phó Thủ tướng Vương Đình Huệ", ĐBQH đoàn Nam Định nhấn mạnh./.

Nguồn: