PGBank sẽ giao dịch trên UPCoM từ 24/12, giá tham chiếu 15.500 đồng/cp

23/11/2024
300 triệu cổ phiếu của PGBank sẽ chính thức giao dịcht rên UPCoM ngày 24/12/2020.

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu đăng ký giao dịch của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank).

Cụ thể, 300 triệu cổ phiếu của ngân hàng sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM từ ngày 24/12/2020 với mã PGB. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.500 đồng/cp.

Tiền thân của PGBank là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, thành lập năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu là 700 triệu đồng. Đến năm 2005, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã tham gia tăng vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn của ngân hàng. Năm 2007, ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, viết tắt là PGBank. 

Đến hiện tại, vốn điều lệ của ngân hàng ở mức 3.000 tỷ đồng. Ngân hàng chỉ có một cổ đông lớn duy nhất là Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam – đang nắm giữ tới 120 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 40%.

99,96% vốn cổ phần của ngân hàng thuộc sở hữu cổ đông trong nước, trong đó 53 cổ đông tổ chức nắm giữ 67,37%. Chỉ có 1 cổ đông cá nhân nước ngoài sở hữu cổ phần PGBank, với 118.000 cp, tương đương 0,04%.

PGBank từng lọt tầm ngắm của nhiều ngân hàng lớn trong các kế hoạch M&A. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, PGBank và HDBank đã cùng công bố về kế hoạch sáp nhập, song đến nay, sau 2 năm vẫn chưa có tiến triển. Trước đó, PGBank cũng có một giai đoạn tìm hiểu cùng VietinBank nhưng không có kết quả. 

Về hoạt động kinh doanh, do ở trong trạng thái chờ sáp nhập, lợi nhuận của ngân hàng lên xuống khá thấp thường và luôn dưới 200 tỷ đồng kể từ năm 2013 đến nay. 

PGBank sẽ giao dịch trên UPCoM từ 24/12, giá tham chiếu 15.500 đồng/cp - Ảnh 1.

Năm 2020, theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên thông qua, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 190 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của PGBank đạt 131 tỷ đồng. Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của PGBank đạt 33.396 tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 5% đạt 24.886 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 9,9% đạt 27.913 tỷ đồng. Nợ xấu nội bảng giảm 33% xuống mức 715 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ 3,16% xuống mức 2,87%.


Nguồn: