Thời gian qua, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín quốc tế liên tục nâng hạng cho quốc gia Việt Nam nói chung, các ngân hàng nói riêng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam để tìm hiểu lý do khiến các tổ chức này nâng xếp hạng cũng như chúng ta cần làm gì để tiếp tục nâng lên thứ hạng mới.
Theo ông đâu là lý do Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm và việc này có thuận lợi thế nào đối với nền kinh tế nói chung, ngân hàng nói riêng?
Tôi cho rằng, những thành quả duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tín dụng hỗ trợ hiệu quả tăng trưởng GDP, tỷ lệ nợ xấu giảm, cơ chế điều hành chính sách… được giới chuyên môn trong nước và quốc tế đánh giá tích cực. Và những thay đổi theo chiều hướng tích cực trên đã tác động đến nâng hạng tín nhiệm của quốc gia cũng như hệ thống ngân hàng.
Việc nâng hạng tín nhiệm chắc chắn mang lại nhiều thuận lợi cho Việt Nam. Trên thị trường vốn, khi muốn huy động vốn trên thị trường này, các DN và rộng hơn là Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện phát hành trái phiếu. Và xếp hạng tín nhiệm cao hay thấp quyết định chi phí vốn của DN hay Chính phủ ở mức nào. Điểm thuận lợi nữa, khi kinh tế tốt hơn, DN khoẻ mạnh, ngân hàng xếp hạng tín dụng cao hơn, theo đó, lãi suất cho vay thấp hơn vì tỷ lệ % rủi ro của tài sản cho vay thấp hơn so với trước đây. Có thể thấy, nền kinh tế có độ tín nhiệm cao tất cả đều thuận lợi, nhất là chi phí nền kinh tế giảm rất lớn.
Mặc dù kết quả đạt được trong thời gian khá tích cực, nhưng thực tế ở đây, mức tín nhiệm hiện tại của quốc gia vẫn dưới chuẩn đầu tư hai bậc. Vì vậy, trong tương lai, Việt Nam cần phải đặt mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn đầu tư.
Để tiếp tục nâng hạng tín nhiệm quốc gia, theo ông cần phải làm gì?
Để đạt chuẩn đầu tư đó, tôi nghĩ nợ xấu cần tiếp tục giải quyết. Hiện tại, tuy nợ xấu của ngân hàng từng bước xử lý nhưng đây vẫn là vấn đề của hệ thống hiện nay. Đặc biệt phải rất lưu ý tăng trưởng tín dụng, không nên để tăng cao có thể để lại hậu quả. Thực tế minh chứng việc tăng trưởng tín dụng nhanh những năm trước để lại hậu quả nợ xấu và cho đến tận bây giờ các ngân hàng mới giải quyết được hòm hòm.
Sức mạnh tài khóa cũng là một yếu tố rất quan trọng để giúp nâng hạng tín nhiệm trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn, nhưng dư địa chính sách tài khoá lại không cao. Điển hình là nợ quốc gia sát trần Quốc hội cho phép… Tất cả những cái đó cho thấy nếu Việt Nam không tạo thêm dư địa, chuẩn bị sức mạnh tài khóa tốt hơn thì khi có bất ổn lớn của kinh tế thế giới, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với các quốc gia khác trên thế giới. Dự trữ ngoại tệ tiếp tục nâng lên nữa để tăng độ an toàn cho kinh tế Việt Nam.
Đây là những yếu tố rất quan trọng có thể đảm bảo kinh tế Việt Nam phát triển tốt, có khả năng đứng vững trước biến động hiện tại cũng như trong tương lai. Tóm lại, muốn nâng xếp hạng tín nhiệm cho quốc gia đòi hỏi quyết tâm vào cuộc của Chính phủ, sự phối hợp nhiều bộ, ngành chứ riêng một bộ, ngành không thể giải quyết vấn đề.
Theo ông, việc nâng xếp hạng tín nhiệm sẽ tăng độ hấp dẫn của các nhà đầu tư đối với các ngân hàng Việt Nam?
Qua thông tin phản ánh trên báo chí, tôi được biết hiện một số ngân hàng nước ngoài rất quan tâm đến các ngân hàng trong nước, thậm chí là cả các ngân hàng yếu kém… Điều này cho thấy nhu cầu tham gia đầu tư của các ngân hàng nước ngoài vẫn có.
Tuy nhiên, theo tôi, để tăng sự thu hút của các định chế tài chính nước ngoài, thì ngoài nâng hạng tín nhiệm, vấn đề tỷ lệ sở hữu cổ phần có vai trò rất quan trọng. Với tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam hiện nay chưa đủ hấp dẫn. Tôi nghĩ rằng, nếu cho họ có tỷ lệ sở hữu cao hơn, chắc chắn ngay lập tức sẽ có nhiều nhà đầu tư bỏ vốn vào. Hoặc nếu giữ tỷ lệ sở hữu cổ phần như hiện nay nhưng có lộ trình dần dần nâng tỷ lệ này lên có thể là thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh các ngân hàng đang cần tăng vốn đáp ứng được chuẩn mực an toàn vốn, nếu chỉ trông chờ nguồn vốn trong nước chắc chắn không đảm bảo đủ mà cần hút dòng vốn quốc tế. Vì vậy, để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài thì phải nhìn nhận lại chính sách đối với họ. Đối với nhà đầu tư nước ngoài họ có nhiều lựa chọn, Việt Nam chỉ là một trong nhiều thị trường họ định đầu tư chứ không phải duy nhất. Nên nếu không tạo đủ hấp dẫn thì họ sẽ chuyển sang thị trường khác.
Trong bối cảnh vốn ngoài đang cần tìm địa chỉ đầu tư, Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để thu hút vốn. Còn nếu khi kinh tế chu kỳ khủng hoảng xảy ra, chúng ta rất khó bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta nhìn lại giai đoạn 2008-2009 thấy rất rõ bài toán thu hút vốn khó, trong khi nhu cầu tăng độ an toàn của hệ thống ngân hàng Việt Nam rất cao đòi hỏi cần đưa vốn thêm vào ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: