Phó Thống đốc NHNN: Sự bùng phát Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu toàn ngành giai đoạn 2016-2020

16/12/2024
Ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp hiệu quả hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để vượt qua khó khăn theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh dẫn đến việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng nên nợ xấu thời gian tới sẽ tăng lên và ngành ngân hàng cần có giải pháp ứng phó với tình hình nợ xấu hậu Covid-19.

Tại Diễn đàn "Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách" diễn ra sáng nay (30/9), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Nguyễn Kim Anh cho biết, Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 đã đi vào triển khai được hơn 3 năm, tạo được những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD gắn với mục tiêu phát triển ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Ông Nguyên Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã giảm dần qua các năm và xuống dưới 2%. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối năm 2016 là 2,46%, cuối năm 2017 là 1,99%, cuối năm 2018 1,91% và đến cuối năm 2019 giả xuống còn 1,63%. Số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 tính đến cuối tháng 7/2020 đạt 6,92 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,94 nghìn tỷ đồng/tháng được xử lý năm 2012-2017.

Nghị quyết 42 đã hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu đạt kết quả cao hơn. Kết quả nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 bằng hình thức khách hàng trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ TCTD. Theo số liệu của NHNN, số khách hàng trả nợ chiếm 40,8% xử lý nợ xấu nội bảng, cao hơn nhiều giai đoan 2012-2017. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Tuy nhiên, Nghị quyết 42 chỉ mang tính chất thí điểm, có hiệu lực 5 năm kể từ ngày 15/8/2017. Do đó, sau thời điểm Nghị quyết 42 hết hiệu lực, nếu không có văn bản thay thế thì có thể làm quá trình xử lý TSBĐ bị kéo dài, các nhà đầu tư mua, bán nợ xấu nghi ngại về khả năng xử lý các khoản nợ đã mua để thu hồi vốn.

Hiện nay, việc xử lý thu hồi nợ, thu giữ tài sản đảm bảo của một số TCTD còn gặp một số khó khăn trong trường hợp TSĐB cho các khoản nợ bị kê biên, liên quan đến vụ án kéo dài.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, sự bùng phát của Covid-19 trong các tháng đầu năm sẽ ảnh hưởng và tác động không nhỏ tới an toàn hoạt động ngân hàng cũng như kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu toàn ngành ngân hàng giai đoạn 2016-2020.

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp hiệu quả hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để vượt qua khó khăn theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

"Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh dẫn đến việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng nên nợ xấu thời gian tới sẽ tăng lên và ngành ngân hàng cần có giải pháp ứng phó với tình hình nợ xấu hậu Covid-19", Phó Thống đốc nói.

Tại diễn đàn, lãnh đạo NHNN cũng cho biết, tỷ lệ nợ xấu đã có dấu hiệu nhích tăng trước tác động của Covid-19. Cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,63% và đến 31/8/2020 là 1,96%.

Nguồn: