Phương Tây coi SWIFT là "quả bom hạt nhân tài chính" nhằm vào Nga, nhưng thực tế khác hẳn

24/11/2024
Kể từ khi có thông báo Nga bị loại khỏi SWIFT, thị trường chứng khoán Nga đã lao dốc, đồng Rúp mất giá. Nhiều người nghĩ rằng, Nga sẽ rơi vào tình trạng sụp đổ trong tương lai.

Sau khi xung đột quân sự Nga - Ukraine bùng nổ, nhiều nước phương Tây đã tăng cường trừng phạt Nga. Ngày 26/2, các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Pháp, Canada, Italy và Ủy ban châu Âu (EC) nhất trí loại Nga khỏi hệ thống thanh toán của Mạng lưới Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng (SWIFT).

Theo trang tin Sohu của Trung Quốc, SWIFT được nhiều nhà kinh tế phương Tây coi như một "quả bom hạt nhân tài chính" nhằm vào Nga. Kể từ khi có thông báo Nga sẽ bị loại khỏi SWIFT, thị trường chứng khoán Nga đã lao dốc, đồng Rúp mất giá. Nhiều người đã nghĩ rằng, Nga sẽ rơi vào tình trạng sụp đổ trong tương lai.

Đến ngày 23/3, Nga tuyên bố rằng, các giao dịch khí đốt thiên nhiên với tất cả các "quốc gia không thân thiện" sẽ phải thanh toán bằng đồng Rúp.

Một số nhân vật ở Nga còn đề xuất mở rộng danh sách các giao dịch phải thanh toán bằng đồng Rúp, bao gồm: dầu mỏ, kim loại, chi tiêu tiêu dùng, gỗ, ngũ cốc...

Ngay sau đó, đồng Rúp đã tăng giá trở lại. Theo hãng tin Reuters, trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (29/3) tại thị trường chứng khoán Moscow, tỷ giá đồng Rúp có lúc đạt 83 Rúp đổi 1 USD, mức cao nhất trong hơn 1 tháng qua. Lần gần đây nhất đồng Rúp ở mức tỷ giá này là vào hôm 25/2 - một ngày sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Nhiều người đã thắc mắc tại sao "quả bom hạt nhân tài chính" từng được phương Tây kỳ vọng lại không có tác dụng với Nga.

Trang Sohu phân tích, trên thực tế, tiền tệ là một sản phẩm trung gian giúp định giá nhiều loại hàng hóa. Miễn là có đủ hàng hóa và tài sản thực, đồng Rúp sẽ có giá trị nhất định.

Theo thống kê của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), Nga và Ukraine là một trong những quốc gia sản xuất nông sản quan trọng nhất thế giới, lần lượt chiếm 19%, 14% và 4% sản lượng toàn cầu về lúa mạch, lúa mì và ngô. Hơn một nửa sản lượng dầu hướng dương trên thế giới cũng đến từ Nga và Ukraine.

Nga cũng giàu tài nguyên khí đốt, dầu mỏ và khoáng sản. Khoảng 40% nguồn cung cấp khí đốt thiên nhiên của EU là đến từ Nga. Nhu cầu của EU đối với khí đốt thiên nhiên và khoáng sản của Nga được định giá bằng đồng Rúp. Nhu cầu lương thực và dầu của thế giới được định giá bằng đồng Rúp.

Theo Sohu, tiền giấy là tín dụng của quốc gia, nhưng cơ bản nhất là các đồng tiền cứng như dầu mỏ, ngũ cốc và vàng. Miễn là lượng hàng hóa và nguyên liệu của Nga đủ lớn, đồng Rúp sẽ phục hồi giá trị lâu dài sau một cú sốc ngắn hạn.

https://soha.vn/phuong-tay-coi-swift-la-qua-bom-hat-nhan-tai-chinh-nham-vao-nga-nhung-thuc-te-khac-han-20220401111805041.htm

Nguồn: