Không nhất thiết phải tăng cao
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, lãi suất giảm là thông điệp về nền kinh tế Việt Nam ổn định, tạo điều kiện để có thể tiếp tục hỗ trợ cho những doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên. Nhấn mạnh, yếu tố hài hòa giữa người vay và người gửi tiền; hài hòa giữa chi phí nghiệp vụ của các TCTD và lợi nhuận cũng như nâng cao năng lực hoạt động, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, giảm lãi suất cũng đồng thời là tăng cường đẩy mạnh đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp những tháng cuối năm.
Nhiều chuyên gia cũng có chung quan điểm như vậy. TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, lãi suất đang trong xu hướng giảm nhẹ mặc dù nếu xét về mặt bằng chung thì vẫn chưa phải là quá nhiều. Lãi suất giảm sẽ kích thích tăng cầu tín dụng, nhất là tín dụng tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
Còn theo phân tích thị trường của Công ty Chứng khoán SSI, quyết định giảm lãi suất của NHNN đã có tác động nhất định đến mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1. Sở dĩ như vậy là bởi ngoại trừ 4 NHTM nhà nước và một vài NHTM lớn, lãi suất huy động các kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng của hầu hết các NHTM trong những tháng gần đây đều đang ở mức 5,5%/năm nên khi trần lãi suất huy động giảm, một loạt các NHTM cũng điều chỉnh giảm lãi suất ở kỳ hạn này về mức 5%/năm kể từ ngày 19/11/2019. Thế nhưng điểm đáng chú ý là các kỳ hạn dài hơn cũng đã bắt đầu giảm, rõ rệt nhất là ở nhóm các NHTM có thị phần nhỏ (giảm 20-30 điểm cơ bản), thu hẹp mức chênh lệch lãi suất với nhóm các NHTM lớn.
Về tăng trưởng tín dụng, dẫn số liệu từ NHNN, SSI cho biết tính đến hết 9 tháng 2019 mặc dù tăng trưởng tín dụng mới đạt 9,4%, thấp hơn so với mức 10,33% của cùng kỳ 2018; nhưng tổng phương tiện thanh toán đã đạt 10,08 triệu tỷ đồng, tăng 9,47%, cao hơn khá nhiều mức tăng 9,04% của cùng kỳ. Theo SSI, đó là một dấu hiệu cho thấy NHNN có quan điểm hỗ trợ tăng trưởng rõ ràng hơn.
Tuy nhiên bên cạnh đó, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN về tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. "Việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng tổng thể cùng với lộ trình siết chặt các quy định an toàn về vốn và tín dụng cho thấy quan điểm điều hành thận trọng của NHNN. Vấn đề giảm lãi suất vẫn đang được cân đối với kiểm soát lạm phát, tỷ giá và sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng", SSI nhận định.
Theo ước tính của BSC, với tốc độ tăng trưởng hiện tại và trần tín dụng cho từng ngân hàng, tăng trưởng tín dụng năm 2019 có thể chỉ ở mức 13,2%. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, mức tăng trưởng tín dụng năm nay không cao nhưng tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, dự tính GDP năm nay sẽ tăng 7,02%. Điều này cho thấy, vốn ngân hàng đang được sử dụng rất hiệu quả, nên không nhất thiết phải đạt mục tiêu 14%. Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, "mức tăng trưởng tín dụng đặt ra không đồng nghĩa là chúng ta phải xài hết, mà quan trọng hiệu quả sử dụng vốn".
Quan trọng hàng đầu là chất lượng
Còn nhớ ngay từ đầu năm, NHNN khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, có điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế. Tuy nhiên, NHNN luôn nhấn mạnh định hướng tăng trưởng tín dụng phải gắn liền với an toàn và hiệu quả.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của giới chuyên môn khi mà dư nợ tín dụng so với GDP của Việt Nam hiện đang ở mức khá cao so với khu vực. Phát biểu tại một diễn đàn mới đây, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV chia sẻ, hiện vốn tín dụng đang ở mức khá cao, khoảng 134% GDP. Vì vậy giảm dần tốc độ tăng trưởng tín dụng là cần thiết. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ rơi vào khoảng 13% và có thể giảm còn 12% trong năm tới.
Cũng nhìn nhận việc giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng so với nhiều năm trước là điểm tích cực, TS. Nguyễn Xuân Thành – Đại học Fulbright Việt Nam lý giải, điều này sẽ hạn chế tình trạng bong bóng bất động sản cũng như rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng.
Thậm chí theo các chuyên gia, việc kiểm soát chặt tín dụng, cả về tốc độ tăng trưởng và chất lượng, đã giúp hiệu quả tín dụng được nâng cao lên rất nhiều so với thời gian trước. Bằng chừng là mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng tuy có chậm lại, song tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì tốc độ khá cao. Đơn cử tín dụng 9 tháng chỉ tăng khoảng 9,4%, thấp hơn so với mức tăng 10,33% của cùng kỳ năm 2018, song GDP 9 tháng vẫn tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây.
Vì lẽ đó, không có lý do gì tín dụng cứ phải tăng cao mới là mỹ mãn. Bởi tín dụng mà đẩy ra ngoài lưu thông quá nhiều sẽ tạo ra lạm phát, và nợ xấu… Tăng trưởng tín dụng chậm lại nhưng được "nắn dòng" mạnh sang khu sản xuất - kinh doanh, nhất là cho đối tượng DNNVV.
Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của các DN. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV.
Với các TCTD, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho rằng, bản thân mỗi TCTD phải xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. Đồng thời xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Song song với đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Nguồn: