Tại cuộc gặp mặt, Phó Thủ tướng mong Warburg Pincus tiếp tục đầu tư và mở rộng ra các lĩnh vực mà Chính phủ khuyến khích như hạ tầng, công nghệ cao, sản xuất vật liệu mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin,...
Ông Timothy F. Geithner đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quan tâm phát triển dịch vụ tài chính, trong đó có lĩnh vực mới như ngân hàng số và thanh toán điện tử.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quỹ đầu tư Warburg Pincus đề nghị Chính phủ nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trong ngân hàng thương mại nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tạo thuận lợi cho thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Đáp lại, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam cam kết mở cửa đối với nhà đầu tư nước ngoài nhất là trong lĩnh vực dịch vụ theo đúng lộ trình tại các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương đã ký kết.
Về lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ sẽ xem xét giảm tỷ lệ nắm giữ của nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần, tạo thêm cơ hội cho nhà đầu tư khác, trong đó có 4 ngân hàng thương mại lớn (BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank) chiếm hơn 50% nguồn cung tín dụng toàn ngành ngân hàng sẽ giảm xuống còn 65% sở hữu của Nhà nước vào năm 2025.
Để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã dự thảo trong Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) về chứng chỉ lưu ký (cổ phiếu) không có quyền biểu quyết để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tăng sở hữu và bảo đảm kiểm soát được các rủi ro. Dự kiến 2 dự án luật này sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua vào tháng 5/2020.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đang nghiên cứu việc ban hành quy định về "cổ phiếu vàng" để nhà nước sở hữu 1 cổ phiếu này tại doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng cổ phần hoá (nhưng là cổ phiếu có quyền phủ quyết) để tăng cường sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong phát triển hệ thống tín dụng, thanh toán tại Việt Nam.
Tham khảo: VGP
Nguồn: