Quy định mới: Có thể nhận tiền bồi thường bảo hiểm tại ngân hàng

27/11/2024
Theo quy định mới, khách hàng có thể nhận tiền bồi thường bảo hiểm tại ngân hàng liên kết với doanh nghiệp bảo hiểm (bancassurance).

Ngày 31/12/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số: 37/2019/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2019 hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (gọi chung là doanh nghiệp bảo hiểm).

Theo đó, kể từ ngày 02/03/2020, hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm gồm một hoặc một số trong 6 hoạt động sau đây:

1. Giới thiệu khách hàng: Tổ chức tín dụng giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chào bán bảo hiểm.

2. Chào bán bảo hiểm: Tổ chức tín dụng chào bán trực tiếp, giải thích điều kiện, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm; hoặc chào bán bảo hiểm thông qua các phương thức điện tử, bảo hiểm trực tuyến hoặc các phương thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm: Tổ chức tín dụng hướng dẫn, hỗ trợ cho khách hàng lập hợp đồng bảo hiểm, tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm và quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

4. Thu phí bảo hiểm: Tổ chức tín dụng thu hộ các khoản phí bảo hiểm từ khách hàng theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm.

5. Thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm: Tổ chức tín dụng hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng về thủ tục yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm từ khách hàng và chuyển lại cho doanh nghiệp bảo hiểm để thẩm định, ra quyết định bồi thường, trả tiền bảo hiểm. Trường hợp được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền, tổ chức tín dụng bồi thường, chi trả tiền bảo hiểm cho khách hàng.

6. Thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm phù hợp với quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm.

Thông tư 37 cũng yêu cầu Tổ chức tín dụng phải đáp ứng các điều kiện và tuân thủ các quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; không được sử dụng phí bảo hiểm thu được cho các mục đích khác ngoài các thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm. Hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng phải được ghi trong Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp cho tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thanh tra, giám sát đối với hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng có trụ sở trên địa bàn, thuộc đối tượng thanh tra, giám sát an toàn vi mô của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện nay xu hướng ngân hàng liên kết với bảo hiểm trở nên khá phổ biến, và hầu hết các ngân hàng đều ký hợp đồng độc quyền để triển khai bán bảo hiểm (bancassurance) nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên, mà trước mắt là các ngân hàng ghi nhận những khoản thu đột biến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, góp phần không nhỏ vào lợi nhuận cao kỷ lục của họ. Có thể kể đến như FWD ký độc quyền với Vietcombank và Nam A Bank, VIB với Prudential, Generali với OCB, Sacombank và SHB với Dai-ichi Life, Manulife cùng Techcombank, SCB, TPBank, AIA ký kết với VPBank, KienLong Bank, VietCapital Bank, ACB, bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam với Woori Bank và Shinhan...


Nguồn: