“Room” ngoại tại tổ chức trung gian thanh toán có thể trái cam kết quốc tế

25/11/2024
Đề xuất mức giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức trung gian thanh toán “có khả năng rất cao” trái với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đây là ý kiến phản hồi và đóng góp từ Nhóm công tác Đầu tư và thương mại, trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tập hợp, chuyển về Ngân hàng Nhà nước ngày 30/12/2019.

Ý kiến này đưa ra sau khi Ngân hàng Nhà nước xây dựng và tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (từ ngày 6/11/2019).

Cụ thể, Nhóm công tác Đầu tư và thương mại cho biết, theo Khoản 2 Điều 29 của Dự thảo Nghị định, tỷ lệ tối đa phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp là 49% vốn điều lệ của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT).

"Tuy nhiên, có khả năng rất cao là mức giới hạn sở hữu đề xuất trái với các cam kết quốc tế của Việt Nam theo các hiệp định thương mại quốc tế (ví dụ, hiệp định GATS, CPTPP, AFAS và EVFTA)", Nhóm công tác lưu ý.

Cũng theo ý kiến này, theo Khoản 1 Điều 42 của Dự thảo Nghị định, các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT được cấp phép trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành có tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài cao hơn 49% được tiếp tục duy trì cho đến khi có sự thay đổi nhà đầu tư nước ngoài hoặc hết thời hạn Giấy phép cung ứng dịch vụ TGTT thì phải đáp ứng quy định tại Nghị định này.

Điều khoản chuyển tiếp này được cho là mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác, cụ thể là (i) Khoản 1 Điều 74 của Luật Đầu tư theo đó nhà đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày Luật Đầu tư này có hiệu lực thi hành được thực hiện dự án đầu tư theo Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp, và (ii) Khoản 1 Điều 156 của Luật Ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật, theo đó Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được áp dụng cho hoạt động xảy ra từ thời điểm văn bản đó bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, ý kiến trên đề xuất loại bỏ điều kiện kinh doanh liên quan đến việc mở và duy trì số dư tài khoản đảm bảo thanh toán đối với tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thu hộ, chi hộ; cân nhắc lại giới hạn 49% đối với sở hữu nước ngoài; và cân nhắc lại việc áp dụng hồi tố của yêu cầu tuân thủ giới hạn sở hữu nước ngoài. Trong trường hợp Chính phủ cuối cùng lựa chọn áp dụng mức giới hạn sở hữu nước ngoài, sở hữu nước ngoài tại thời điểm đạo luật được thông qua sẽ không bị hồi tố và không phải thoái vốn theo quy định về hạn mức của luật.

Nguồn: