Rúp Nga quay lại mức thấp kỷ lục, cổ phiếu tài chính ngân hàng từ Mỹ tới châu Âu tiếp tục lao dốc

23/11/2024
Đồng rúp Nga tiếp tục biến động rất mạnh, giảm sâu xuống 100 RUB/USD trong phiên giao dịch ngày 1/3 tại Moscow, trên thị trường quốc tế thậm chí còn thấp hơn nữa, trong bối cảnh phương Tây đưa ra những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt. Chứng khoán toàn cầu tiếp tục lao dốc, trong khi vàng và Bitcoin tăng nhanh.

Đồng tiền này đã tìm được một số yếu tố hỗ trợ sau khi Chính phủ Nga ra lệnh cho các công ty xuất khẩu, trong đó có một số nhà sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới, từ Gazprom đến Rosneft, bán 80% doanh thu ngoại hối ra thị trường để chặn đà giảm giá của rúp, vì khả năng can thiệp vào thị tường tiền tệ của ngân hàng trung ương lúc này bị hạn chế.

Tuy nhiên, động thái đó chỉ đẩy rúp hồi phục lên mức 75 RUB/USD và 87 RUB/EUR trong một thời gian ngắn ngủi rồi sau đó nhanh chóng quay đầu giảm.

Kết thúc ngày 1/3, RUB giảm 11,5% so với USD, xuống 112,54 RUB; tiếp tục con đường về lại mức thấp kỷ lục 122 RUB đã chạm tới hôm 28/2.

Trên sàn giao dịch điện tử EBS, đồng rúp kế thúc ngày ở mức 109,5 RUB/USD.

Đồng tiền này đã giảm đáng kể từ khi Nga bắt đầu "chiến dịch đặc biệt" đối với Ukraine, có thời điểm mất 1/3 giá trị, buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải tăng gấp đôi lãi suất, lên 20% và áp dụng một loạt các biện pháp khác nữa.

Dmitry Polevoy, người đứng đầu bộ phận đầu tư của LockoInvest, kỳ vọng đồng rúp sẽ được thúc đẩy hồi phục trở lại bởi các biện pháp của nhà nước Nga như bán ngoại tệ ra thị trường trong nước, và thậm chí có thể tăng khi người dân bắt đầu bán USD ra vì lo ngại về những khoản tiền tiết kiệm bằng tiền Mỹ.

Tuy nhiên, nhà phân tích tiền tệ cấp cao Piotr Matys của In Touch Capital Markets cho rằng: "Việc Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất đáng kể đã không thể ổn định được đồng rúp", "Diễn biến của đồng tiền này khó ai có thể đảo ngược lại, ngay cả những động thái quyết liệt của Ngân hàng Trung ương Nga, bởi thực tế là các nhà đầu tư nước ngoài không thể đầu tư vào tài sản của Nga nữa".

Về các ngoại tệ khác, đồng USD tiếp tục tăng mạnh do nhu cầu đối với các tài sản an toàn. Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các tiền tệ đối tác chủ chốt – kết thúc n gày 1/3 theo giờ Việt Nam tăng 0,8% lên 97,508, chủ yếu do xu hướng tăng mạnh so với euro, bảng Anh, đô la Australia, đô la New Zealand và cả yen Nhật, và chỉ giảm so với franc Thụy Sỹ, đô la Canada và nhân dân tệ.

Rúp Nga quay lại mức thấp kỷ lục, cổ phiếu tài chính ngân hàng từ Mỹ tới châu Âu tiếp tục lao dốc - Ảnh 1.

Cập nhật tỷ giá tiền tệ.

Chứng khoán toàn cầu tiếp tục lao dốc. Các chỉ số chính của Phố Wall kéo dài chuỗi ngày đi xuống, với cổ phiếu tài chính giảm sâu do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine ngày càng sâu sắc, trong khi giá dầu tăng đã thúc đẩy cổ phiếu của các công ty năng lượng.

Tám trong số 11 lĩnh vực S&P chính đã giảm trong phiên giao dịch này, với cổ phiếu nhóm tài chính 2,7% vào lúc kết thúc ngày 1/3 theo giờ Việt Nam, trong bối cảnh lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tuần khi các nhà đầu tư ổ ạt chuyển tới các tài sản an toàn. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 600 điểm, trong khi S&P 500 mất hơn 1,5%.

Sự sụt giảm rõ rệt nhất trong các cổ phiếu tài chính có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các lệnh trừng phạt, với cổ phiếu của Wells Fargo mất 4,5%, trong khi cổ phiếu nhóm ngân hàng giảm 3,8%. Tuy nhiên, cổ phiếu lĩnh vực năng lượng hoạt động tốt với mức tăng 1,1% do giá dầu tăng trở lại trên 100 USD/thùng. Cổ phiếu của Chevron Corp tăng 3,2% và đạt mức cao kỷ lục sau khi tập đoàn dầu khí lớn nhất nâng cao chương trình mua lại cổ phần và dự báo về dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đến năm 2026.

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng giảm sâu, với chứng khoán Đức giảm 3,5% xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm. Trong tất cả các lĩnh vực, cổ phiếu du lịch và giải trí giảm 7% và cổ phiếu ngân hàng mất 6,8% khi các nhà giao dịch giảm đáng kể kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ thắt chặt tiền tệ.

Tại Nga, giao dịch cổ phiếu trên Sở giao dịch Moscow đã bị đình chỉ sang ngày thứ 2 sau khi các đợt bán tháo mạnh ảnh hưởng đến thị trường suốt từ giữa tháng Hai.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giữ vững ở mức trên 43.000 USD do nhu cầu mạnh mẽ đối với loại tài sản này ở cả Nga và Ukraine.

Rúp Nga quay lại mức thấp kỷ lục, cổ phiếu tài chính ngân hàng từ Mỹ tới châu Âu tiếp tục lao dốc - Ảnh 2.

Giá Bitcoin ngày 1/3.

Giá palladium tăng hơn 9% lên mức cao nhất 7 tháng do lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ khiến thị trường này càng trở nên khan hiếm.

Theo đó, palladium lúc kết thúc ngày 1/3 theo giờ Việt Nam tăng 9,4% lên 2.722,79 USD/ounce.

Giá vàng trong cùng thời điểm cũng tăng, với vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.924 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 4 tăng 1,1% lên 1.922,40 USD khi các nhà đầu tư ồ ạt chuyển tiền sang các tài sản an toàn.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

https://cafef.vn/rup-nga-quay-lai-muc-thap-ky-luc-co-phieu-tai-chinh-ngan-hang-tu-my-toi-chau-au-tiep-tuc-lao-doc-20220302005727404.chn

Nguồn: