Thay vì rất phải cầm nhiều thẻ ngân hàng ra các quầy ATM để rút tiền thì với 1 chiếc thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử, giờ đây người dân có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng với nhiều tiện ích như nộp, rút tiền tại máy ATM và cũng có thể chuyển tiền một cách dễ dàng, nhanh chóng, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.
Theo đó, sau khi chủ tài khoản quét CCCD gắn chip qua thiết bị tại cây ATM , ngân hàng sẽ kiểm tra và đối chiếu thông tin trên thẻ. Sau đó, hệ thống tiếp tục xác thực khuôn mặt và vân tay của khách hàng để phòng ngừa tài khoản giả mạo trước khi công dân thực hiện giao dịch rút tiền.
Hiện nay một số ngân hàng lớn của Việt Nam đang phối hợp Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD - Bộ Công an thí điểm ứng dụng thẻ CCCD gắn chip thay thế thẻ ATM để rút tiền ở các cây ATM tại chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội và Quảng Ninh.
Lừa đảo từ tài khoản ngân hàng không chính chủ
CCCD gắn chip tích hợp dịch vụ ngân hàng được kỳ vọng sẽ giúp giảm rủi ro, gia tăng an toàn khi giao dịch ngân hàng. Bởi thực tế thời gian vừa qua, lợi dụng các tài khoản ngân hàng không chính chủ, sử dụng chứng minh nhân dân giả, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội. Hoạt động của chúng giờ đây không chỉ lừa người dân mà nghiêm trọng hơn còn lừa cả ngân hàng.
Sử dụng CMND của người khác có khuôn mặt gần giống với mình đó là cách mà các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của nhiều cá nhân.
Bị can Trần Thùy Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã sử dụng chứng minh nhân dân của 3 người khác có những điểm tương đồng về khuôn mặt của mình để mở 7 tài khoản ngân hàng với mục đích làm tài khoản trung gian nhận tiền từ các tài khoản chiếm đoạt được.
Với thủ đoạn này, Trần Thùy Anh đã 8 lần đến ngân hàng rút tiền mà không hề gặp khó khăn gì, lần rút tiền nhiều nhất là 4 tỷ đồng.
"Nhân viên có hỏi là khuôn mặt trong chứng minh nhân dân trông trẻ hơn tôi bây giờ thì tôi trả lời là do chứng minh nhân dân mở khá lâu rồi nó cũng thay đổi theo thời gian. Xét thấy chữ ký và khuôn mặt na ná giống tôi nên vẫn cho tôi rút tiền", bị can Trần Thùy Anh nói.
Các đối tượng làm giả chứng minh nhân dân dán ảnh mình nhưng tên của người khác để lừa các nhà mạng viễn thông.
Các đối tượng còn làm giả chứng minh nhân dân dán ảnh mình nhưng tên của người khác để lừa các nhà mạng viễn thông. Mục đích là lấy được sim điện thoại để chiếm quyền truy cập Internet banking. Các đối tượng có được thông tin tài khoản bằng cách lấy trên các trang mạng cá độ bóng đá, lô đề rồi cấu kết với nhân viên ngân hàng để lấy thông tin chứng minh nhân dân, chữ ký của chủ tài khoản.
Tội phạm mạng, tất cả đều được giao dịch qua mạng. Tài khoản ngân hàng là điểm đến cuối cùng để biết được tội phạm là ai. Chính vì vậy, các đối tượng sẽ sử dụng tài khoản không chính chủ để che giấu danh tính của mình. Hầu hết các vụ án sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đều sử dụng tài khoản không chính chủ.
Có 2 loại tài khoản không chính chủ mà tội phạm mạng thường sử dụng: Thứ nhất là mua tài khoản của người khác để rút tiền qua thẻ; Thứ 2 sử dụng chứng minh nhân dân của người khác hoặc chứng minh nhân dân giả để mở tài khoản rồi tự rút tiền qua thẻ hoặc trực tiếp ở ngân hàng.
Bảo mật thông tin là cực kỳ quan trọng với bất kỳ loại thẻ nào. Trước đây nếu không may bị mất thẻ ATM thì kẻ gian có thể tìm ra được mật mã pin, có thể rút được tiền. Nếu trường hợp mất thẻ CCCD hoặc bị lấy có rủi ro bị mất tiền hay không?
Từ trước đến nay đã có quy định của Ngân hàng Nhà nước về mở và sử dụng thẻ ATM, trách nhiệm của chủ thẻ ATM cũng như bên ngân hàng. Vậy với việc rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chip, các quy định pháp lý được quy định cụ thể ra sao?
Xung quanh các vấn đề trên, chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, Bộ Công an đã có những phân tích chi tiết!
Nguồn: