Sản xuất gián đoạn, dòng tiền của doanh nghiệp 'tìm về' ngân hàng

06/10/2024
Theo dữ liệu cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, lần đầu tiên kể từ năm 2015 đến nay, tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong 5 tháng đầu năm cao hơn tăng trưởng tiền gửi của cư dân.

Cụ thể, tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 10,27 triệu tỷ đồng tính đến hết tháng 5/2021, tăng 2,9% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng 2,6% lên hơn 5,27 triệu tỷ đồng; tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh hơn với 3,3% và vượt mốc 5 triệu tỷ đồng.

Trước đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào ngân hàng đã ghi nhận mức tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm. Phải tới tháng 5/2021 khi lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng đột biến với 59.121 tỷ đồng gửi vào hệ thống ngân hàng, chiếm 4/5 lượng tiền gửi thêm của thị trường 1 (huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư), mức tăng trưởng mới thực sự đảo chiều.

Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại, xu hướng tăng tiền gửi vào ngân hàng của các doanh nghiệp đã diễn ra trong hơn 1 năm trở lại đây kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát diện rộng. Nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn do gián đoạn sản xuất, đứt gãy nguồn cung, đầu ra hạn chế nên có xu hướng tích lũy gửi tiền vào ngân hàng để làm bước đệm vừa đề phòng rủi ro trong tương lai, vừa chờ dịch bệnh qua đi để phục hồi.

"Đặc biệt khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại nghiêm trọng từ tháng 4/2021 đến nay tại nhiều tỉnh thành phố, nhất là khu vực phía Nam, nhiều doanh nghiệp lâm vào trạng thái "đóng băng". Vì thế dòng tiền lẽ ra chảy vào sản xuất, phục hồi kinh doanh lại phải tạm ngưng và chuyển hướng vào ngân hàng để bảo toàn nguồn vốn và sinh lời", vị lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.

Trong khi đó, tiền gửi dân cư có dấu hiệu tăng chậm lại, chỉ ở mức 2,6% trong 5 tháng qua. Số liệu này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 là 4%. Đã từng có thời điểm tiền gửi dân cư 5 tháng đầu năm tăng trên 11% hồi năm 2016 và giảm dần trong các năm tiếp theo.

Thực tế cho thấy từ cuối năm 2019 đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi dân cư đã giảm từ 1,5 - 2,5%/năm, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại một số ngân hàng thậm chí xuống chỉ còn 3,1 - 3,3%/năm. Rõ ràng việc lãi suất tiền gửi xuống thấp kỷ lục trong hơn 1 năm qua đã khiến dòng tiền nhàn rỗi chuyển hướng, tìm đến các kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn hơn như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu...

Mặt khác, theo Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc một số tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn trong hoạt động, hay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng cho phép ngân hàng được phá sản đã làm giảm sút lòng tin của nhà khách hàng khi gửi tiền. Do đó, ông Hiếu khuyến cáo, một trong những việc các tổ chức tín dụng cần làm để lôi kéo trở lại dòng tiền nhàn rỗi chính là điều chỉnh lãi suất tiền gửi.

Dự báo xu hướng thời gian tới, nhóm phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCBS) cho rằng lãi suất huy động có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ 0,1 - 0,2%/năm trong nửa cuối năm nay.

"Áp lực tăng nhẹ, nếu có, nhằm cân bằng lợi ích của người gửi tiền với xu hướng đa dạng sang các kênh đầu tư. Do đó, lãi suất huy động có thể tăng vào cuối năm khi ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay. Đồng thời, doanh nghiệp và người dân có xu hướng rút tiền khỏi hệ thống, kéo theo áp lực huy động", VCBS nhận định.

Cùng quan điểm, Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ từ 0,25 - 0,3%/năm trong nửa cuối năm 2021 do nhu cầu tín dụng tăng; áp lực lạm phát cao hơn trong nửa cuối năm 2021 và các ngân hàng thương mại cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn.

Trong diễn biến liên quan, nhiều ngân hàng mới đây đã đồng loạt công bố giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Việc hỗ trợ sẽ tập trung vào các doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh với mức giảm trung bình từ 0,5 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng.

Nguồn: