Theo thống kê của Người Đồng Hành, 6 trong 23 ngân hàng khảo sát điều chỉnh giảm lãi suất gồm Bản Việt, Eximbank, VPBank, Nam A Bank, ABBank và TPBank.
Ngân hàng Bản Việt giảm lãi suất tại tất cả kỳ hạn. Trong đó, các khoản vay 1-11 tháng giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm. Lãi suất 1-5 tháng ở mức 5,3%,/năm trong khi lãi suất 6-11 tháng dao động 7,3-7,7%/năm. Kỳ hạn 12 tháng vẫn giữ nguyên lãi suất 8%, trong khi các kỳ hạn dài hơn đều giảm 0,1 điểm phần trăm, dao động 8,2-8,5%/năm.
Ông Phạm Trung Kiên, Giám đốc Bản Việt chi nhánh Thăng Long, cho biết ngân hàng lựa chọn một số thời điểm để giảm lãi suất tại các kỳ hạn do nhu cầu vốn, nguồn vốn đang ổn định và hài hòa. Trong đợt này, Bản Việt giảm chung cho các kỳ hạn để đảm bảo lãi suất cho vay đầu ra. Vừa qua, ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt việc áp dụng Basel II về quy định tỷ lệ an toàn vốn từ 1/11. Điều này cho thấy cơ sở vốn của ngân hàng đã đáp ứng được điều kiện, tuân thủ quy định Thông tư 41.
Trước đó, Bản Việt là một trong những ngân hàng từng công bố lãi suất cao nhất thị trường 8,6%/năm với kỳ hạn 24-60 tháng. Đồng thời, nhà băng này từng có chương trình chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 9,2-10,2%/năm.
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất sau đợt tăng từ tháng 8. Ảnh: L.H.
VPBank cũng thông báo thay đổi lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 7,2-7,5%/năm. Nam A Bank giảm lãi suất kỳ 16 -17 tháng, 0,3 điểm phần trăm xuống 7,4%/năm.Eximbank cũng điều chỉnh giảm lãi suất các khoản gửi tiết kiệm trung hạn. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 12, 15 và 18 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống 7,7-8,1%/năm. Trong khi đó, kỳ hạn 13 tháng và trên 24 tháng giữ nguyên ở mức 8,4%/năm.
ABBank là đơn vị điều chỉnh đa dạng nhất. Ngân hàng này hạ lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng từ 5,5% xuống 5,4%/năm. Đồng thời, kỳ hạn 6 tháng giảm từ 7,5% xuống 7%/năm. Mức lãi suất 12 tháng cũng được giảm từ 8,5% xuống 8,2%/năm.
Tuy nhiên, lãi suất các kỳ hạn trung và dài được ngân hàng nâng lên tăng. Kỳ hạn 8-11 tháng, lãi suất nâng 0,6 điểm cơ bản từ 6,8% lên 7,2%. Trong khi đó, lãi suất 15-36 tháng nâng 0,9 điểm cơ bản từ 7,4% lên 8,3%/năm.
Sau 9 tháng, cho vay khách hàng của ABBank vẫn giảm nhẹ so với đầu năm, ở mức 52.157 tỷ đồng. Trích lập dự phòng khoản vay tăng 70% lên hơn 1.147 tỷ đồng. ABBank là 1 trong số ít các ngân hàng tăng trưởng dư nợ âm trong hệ thống (bên cạnh Ngân hàng Bảo Việt).
Theo Trung tâm phân tích CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI), dù một số ngân hàng thương mại công bố điều chỉnh giảm nhẹ 10-20 điểm cơ bản trên biểu lãi suất, mức lãi suất thực tế không có nhiều thay đổi, mức giãn cách giữa các nhóm ngân hàng thương mại vẫn rất rộng. Trong ngắn hạn từ giờ đến cuối năm, lãi suất trên thị trường 1 vẫn khó giảm do tính mùa vụ.
NCB đứng đầu về lãi suất
Trái với động thái hạ lãi suất của các ngân hàng khác, NCB đồng loạt nâng lãi suất tại phần lớn kỳ hạn. Với khoản tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng, lãi suất tăng 0,5 điểm phần trăm lần lượt là 7,9% và 8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng, tăng 1 điểm phần trăm lên 8,1%. Kỳ hạn 18-24 tháng, lãi suất tăng 0,7 điểm phần trăm lên 8,6-8,7%/năm. Với khoản tiền gửi kỳ hạn 36 tháng, lãi suất được nâng lên 8,8%/năm, tăng 1,2 điểm phần trăm so với tháng trước, cao nhất trong hệ thống.
Bản Việt xếp thứ 2 với lãi suất 8,5%/năm ở các kỳ hạn 24-60 tháng. Tháng trước, SHB và Bản Việt là 2 ngân hàng từng thay nhau giữ vị trí quán quân với những lãi suất 8,9-9%/năm cho các khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng kỳ hạn trên 12 tháng. Tuy nhiên, hiện tại 2 không còn chính sách này.
Với kỳ hạn 12-13 tháng, Eximbank dẫn đầu với lãi suất 8,4%/năm. ABBank theo sau với lãi suất 8,3%/năm với kỳ hạn 13 tháng và 8,2% với 12 tháng. Những vị trí tiếp theo thuộc về Bắc Á lãi suất 8m2% và NCB 8,1%.
Trên tất cả kỳ hạn, Bắc Á cũng là ngân hàng có mặt bằng cao nhất hệ thống. Lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng ở mức 5,5% trong khi các nhà băng khác chỉ quanh 4,5-5,2%/năm. Ở kỳ hạn 6- 9 tháng, Bắc Á giữ lãi suất ở 7,7-7,8%/năm. Trong khi đó, với kỳ hạn dài 18-36 tháng, lãi suất ở mức 8,3%/năm.
Nhóm 4 ngân hàng lớn (Big4) quốc doanh vẫn đứng cuối trong bảng xếp hạng về lãi suất. Vietcombank, VietinBank, BIDV công bố mức 0,1%/năm cho tiền gửi không kỳ hạn, trong khi Agribank là 0,2%. Ở kỳ hạn 1 tháng, Agribank, VietinBank và Vietcombank giữ ở 4,5% trong khi BIDV ở 4,3%/năm so với tháng trước.
Nguồn: