Mở cửa sáng nay (10/3), giá vàng trong nước quay đầu, giảm khoảng 200-300 nghìn đồng/lượng sau khi hồi phục lên vùng 48 triệu đồng/lượng (chiều bán) cuối ngày hôm qua (9/3). Chênh lệch giá mua và giá bán hiện khoảng 600-800 nghìn đồng/lượng.
Cụ thể, DOJI đang niêm yết giá vàng SJC ở mức 47,00-47,80 triệu đồng/lượng, giảm 200 nghìn đồng/lượng so với cuối phiên trước. Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) giảm 250 nghìn đồng/lượng, xuống còn 46,7-47,6 triệu đồng/lượng.
Tương tự, Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết với giá 47,05-47,65 triệu đồng/lượng, thấp hơn tới 600 nghìn đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Sau khi đạt đỉnh trên 1.700 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 8/3, giá vàng thế giới lập tức lao dốc, chốt phiên giao dịch ngày 9/3 ở mức 1.667,9 USD/ounce. Vào lúc 8h40 (10/3 theo giờ Việt Nam) đứng ở 1.666,8 USD/ounce.
Chuyên gia Jonathan Butler của Mitsubishi cho rằng sự sụt giảm này một phần có thể là do những thiệt hại khi đầu tư vào các loại hàng hóa khác, khiến giới đầu tư bán vàng để bù lỗ.
"Sự biến động của vàng là điều bình thường. Thực tế là giá vàng đã phá vỡ mốc 1.700 USD/ounce, điều đó khiến chúng tôi tin rằng vàng sẽ còn vượt qua mức này một lần nữa", ông Naeem Aslam, nhà phân tích thị trường của Ava Trade cho biết.
Nhiều nhà phân tích cũng kỳ vọng vàng sẽ tiếp tục tăng. Đơn vị quản lý tài sản của UBS dự đoán giá vàng có thể tăng lên mức 1.800 USD/ounce trong vài tuần tới, trong khi Citigroup kỳ vọng vàng tăng lên 2.000 USD/ounce vào cuối năm 2021.
Giám đốc điều hành hàng hoá và ngoại hối tại UBS, ông Wayne Gordon nói: "Thị trường đang chịu tác động từ dịch bệnh và cú lao dốc của dầu thô, và mọi con mắt đang dồn về động thái tiếp theo tại cuộc họp của ECB vào ngày 12/3 và của Fed vào 17-18/3".
Michael McCarthy, chiến lược gia thị trường tại CMC Sydney nhận định, thị trường đang lo ngại rằng chúng ta có thể sẽ phải thấy một tình hình xấu hơn trước khi mọi thứ tốt đẹp trở lại, và đó là điều có lợi cho vàng.
Nguồn: