Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2019 và triển khai kế hoạch 2020 diễn ra hôm 10/1 vừa qua, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT VietcomBank cho biết, năm 2019, dù lãi suất thấp nhất thị trường song huy động vốn của Vietcombank vẫn tăng mạnh. Tổng huy động vốn của Vietcombank đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2018. Trong đó, huy động vốn trên thị trường I đạt gần 950 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2018. Đặc biệt, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn chiếm tới 27,6% trong tổng số vốn huy động.
Tín dụng của ngân hàng này tăng 15,9%, cao nhất trong các ngân hàng lớn, hoàn thành 100% kế hoạch được giao. Đặc biệt, cơ cấu tín dụng có sự chuyển dịch mạnh mẽ: lần đầu tiên tín dụng bán lẻ chiếm tỷ trọng cao hơn tín dụng bán buôn (51,8%). Trong năm 2019, tín dụng bán buôn của Vietcombank chỉ tăng 2,3% trong khi tín dụng bán lẻ tăng tới 32,3%.
Hoạt động dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khả quan: các hoạt động thanh toán quốc tế, thanh toán thương mại, kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ ngân hàng điện tử, thẻ, kiều hối đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước, gia tăng đóng góp vào thu dịch vụ cho ngân hàng.
Đặc biệt, chất lượng nợ xấu của Vietcombank được kiểm soát chặt chẽ, thu hồi nợ xấu và nợ ngoại bảng đạt kết quả tốt. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank giảm xuống chỉ còn 0,77%, giảm so với mức 0,97% hồi cuối năm 2018. Đáng chú ý, nợ nhóm 2 chỉ còn 0,32% - điều này cho thấy chất lượng tín dụng của Vietcombank đã cải thiện rất nhiều so với trước đây. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu theo đó tại Vietcombank đã lên tới 182%...
Bên cạnh tín dụng với sự dịch chuyển mạnh sang tín dụng bán lẻ nói trên, một yếu tố có đóng góp đáng kể vào kỷ lục lợi nhuận Vietcombank là sự dịch chuyển nguồn sang đầu tư kênh trái phiếu các tổ chức tín dụng; ước tính số dư gần gấp đôi năm 2018, đạt khoảng 53.000 tỷ đồng với biên lợi nhuận cao hơn so với kênh liên ngân hàng để tăng hiệu quả sử dụng vốn.
Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng thì cho biết, năm 2019 Vietcombank đã chính thức khai trương hoạt động văn phòng đại diện tại Mỹ. Đây là văn phòng đại diện của một ngân hàng thương mại Việt Nam chính thức hiện diện tại thị trường này. Năm 2020, Vietcombank sẽ tiến quân vào thị trường Australia. Tính đến thời điểm hiện tại, Vietcombank là ngân hàng Việt Nam đầu tiên được chấp thuận cho phép mở chi nhánh tại quốc gia này.
Cũng theo ông Dũng, Vietcombank là một trong hai ngân hàng đầu tiên đạt chuẩn Basel II,cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống và thường xuyên đi đầu về hạ lãi suất cho vay. Vì vậy, lãnh đạo Vietcombank đề nghị NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho Vietcombank năm 2020 cao hơn mức bình quân của ngành (tức cao hơn 14%) để ngân hàng khai thác hết tiềm năng của mình, hỗ trợ nền kinh tế và vươn tầm ngân hàng ra khu vực và thế giới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ghi nhận những kết quả mà Vietcombank đã được, đồng thời chia sẻ theo chủ trương của Chính Phủ, Vietcombank sẽ được giữ lại một tỉ lệ phần trăm nhất định của lợi nhuận giữ lại năm 2017 - 2018 để tăng vốn. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi được duyệt tăng vốn, ngân hàng cần kiểm soát tốt sự tăng trưởng của tài sản có rủi ro, cùng với đó là nỗ lực thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành hiện tại theo đúng chỉ đạo của NHNN và đề án tái cơ cấu.
Thống đốc NHNN cũng nêu một số vấn đề mà Vietcombank cần chú ý trong thời gian tới, đặc biệt là việc quán triệt các Nghị quyết của Chính Phủ và Chỉ thị 01 của NHNN trong năm để bám sát các chỉ đạo xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu Vietcombank trong năm 2020 phát huy tích cực vai trò tiên phong, dẫn dắt thị trường ngân hàng trong đó có việc giảm lãi suất cho vay, làm sao để giảm lãi suất cho vay phải thực chất. Về hoạt động tín dụng, Vietcombank cần tập trung tín dụng lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế; tiếp tục ổn định lãi suất và hạ lãi suất cho vay; tập trung tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...
Nguồn: