Mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc phải chuẩn bị vốn cho mùa kinh doanh cuối năm cũng như áp lực phải cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định về hệ số CAR theo Basel II và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đua lãi suất trên.
So với thời điểm đầu năm 2019, mặt bằng lãi suất huy động nhìn chung đã tăng khoảng 0,4%.
Việc NHNN cắt giảm lãi suất điều hành vào giữa tháng 9 về cơ bản là theo xu hướng chung của NHTW các nước trên thế giới trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm ngày càng tăng.
Tuy vậy, ở góc độ thực tế, BVSC đánh giá tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu...
“Việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) chứ không như FED hay ECB là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất. Do đó, muốn biết Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới,” BVSC cho hay.
Các ngân hàng nhỏ và vừa có thể sẽ chạy đua lãi suất vào cuối năm. |
Trên thực tế tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/9 mới tăng 8,4%, thấp hơn mức 9,52% của cùng kỳ năm 2018 và còn cách khá xa mục tiêu 14% cho cả năm nay.
Mặc dù vậy, việc giảm lãi suất điều hành sẽ có tác dụng định hướng, “neo giữ” kỳ vọng khiến mặt bằng lãi suất huy động nói riêng và mặt bằng lãi suất cho vay nói chung sẽ ổn định và khó tăng mạnh thêm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng trước thềm năm 2020, khi hệ số CAR theo Basel II được chính thức áp dụng cho toàn hệ thống và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được tiếp tục điều chỉnh giảm, sẽ vẫn có những đợt tăng lãi suất huy động mang tính cục bộ và chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng có quy mô vốn vừa và nhỏ.
Khác với diễn biến khá bình lặng trong 2 quý đầu năm, thanh khoản hệ thống ngân hàng trong quý 3 có biến động rất mạnh. 2 tuần đầu cuối tháng 8, lãi suất liên ngân hàng đã có lúc tăng lên mức 4,8-5%/tháng. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 9, thanh khoản hệ thống đã có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt, đặc biệt trong tuần cuối tháng 9 khi lãi suất các kỳ hạn lùi về dưới mức 2%/năm.
Tỷ giá không thay đổi so với đầu năm
Tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại (NHTM) diễn biến trái chiều trong quý 3/2019. Tính đến cuối tháng 9, tỷ giá trung tâm có mức tăng 1,5% trong khi tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng gần như không thay đổi so với cuối năm 2018.
Đáng lưu ý, những lo ngại về việc VND sẽ giảm giá mạnh theo đà lao dốc của đồng NDT so với USD trên thị trường thế giới (hơn 4%) trên thực tế đã không diễn ra.
Trong khi đó, hầu hết các đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á đều giảm giá mạnh so với USD. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, giảm giá mạnh nhất trong số các đồng tiền của các nước mới nổi là đồng Won của Hàn Quốc (-7,8%), tiếp đến là CNY của Trung Quốc (-4,2%), Rupee của Ấn Độ (-2,4%)…
Theo BVSC, có hai nguyên nhân chính giúp VND trụ vững, không bị mất giá theo NDT. Thứ nhất là cán cân thương mại của Việt Nam đã quay trở lại trạng thái xuất siêu mạnh trong quý 3 (đạt 4,28 tỷ USD), giúp tăng nguồn cung ngoại tệ trên thị trường. Thứ hai, mặc dù xuất hiện sức ép phải giảm giá VND nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu khi NDT giảm giá nhưng rủi ro Việt Nam bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ đã khiến việc bơm tiền Đồng, mua ngoại tệ của NHNN diễn ra thận trọng hơn.
Trong 3 tháng cuối năm, VND nhiều khả năng sẽ giảm giá trở lại so với USD do cán cân thương mại có thể sẽ giảm bớt xuất siêu trong quý cuối năm và diễn biến khó lường của xung đột thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, sức ép giảm giá VND được nhận định chung là không lớn và dự báo sẽ giảm dưới 2% cho cả năm 2019.
Nguồn: