Ole Hansen, trưởng phòng chiến lược Ngân hàng đầu tư Saxo Bank, cho rằng những khoản nợ đang trở thành mối lo ngại của các Ngân hàng Trung ương phương Tây, và vàng có thể là câu trả lời cho sự ổn định.
"Chúng tôi thấy một số ý kiến khá táo bạo về vàng từ các Ngân hàng Trung ương Châu Âu, và có thể không mất nhiều thời gian nữa để họ trở thành những người mua vàng" - ông Hansen nói. Nhiều người coi vàng là mỏ neo của sự ổn định trong một thế giới bất ổn về tài chính.
Mới đây, Chủ tịch Ngân hàng liên bang Đức Jens Weidman tuyên bố rằng vàng là nền tảng ổn định cho hệ thống tiền tệ quốc tế. Hay vào tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Hà Lan chỉ ra trong một báo cáo rằng vàng giúp củng cố niềm tin cho bảng cân đối kế toán của Ngân hàng Trung ương và mang lại cảm giác an toàn.
Trên thực tế, năm 2018 Ba Lan là quốc gia châu Âu đầu tiên mua vàng sau 20 năm với tổng lượng mua vào lên tới 16,4 tấn. Ngân hàng trung ương Ba Lan cũng đã có những động thái nhằm tăng cường dự trữ lên hơn 100 tấn vào năm 2019. Hành động mua vàng của Ba Lan có thể là khởi đầu cho một xu hướng mới tại châu Âu.
"Một số quốc gia đang thực sự vật lộn với lãi suất âm. Nó thực sự đang phá hủy sự giàu có", ông Hansen nói, "cho dù là Ngân hàng Trung ương hay là nhà đầu tư tư nhân thì vàng lúc nào cũng là một tài sản hấp dẫn bậc nhất trong thế giới lãi suất âm."
Mặc dù vàng được cho rằng sẽ chỉ dao động trong phạm vi giữa mức hỗ trợ 1.450 USD/ounce và mức kháng cự 1.500 USD/ounce, song ông Hansen vẫn bày tỏ lạc quan về tiềm năng tăng giá hơn nữa của kim loại quý này. Triển vọng được đưa ra sau khi giá vàng trong hợp đồng kỳ hạn tháng 2/2019 giao dịch lần cuối ở mức 1470,40 USD/ounce, tức là tăng tới 0,66% trong ngày.
Ông Hansen cũng cho rằng các mối đe dọa suy thoái mới sẽ buộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất hơn nữa, điều này sẽ làm suy yếu đồng đô la Mỹ và đẩy giá vàng tăng cao trong năm tới.
Tham khảo: Kitco News
Nguồn: