Hình thức chiếm đoạt tài sản của Nghĩa được thực hiện qua chiêu thức, lừa nhà đầu tư trên sàn chứng khoán OTC. Đây là một trong những vụ án kinh tế có tính chất phức tạp bởi đến nay, vụ án đã trải qua 11 năm với 3 lần xét xử sơ thẩm và 2 lần xét xử phúc thẩm.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 3- 2007, Nghĩa nói dối 5 phụ nữ rằng, mình quen biết với nhiều người có địa vị xã hội, có khả năng mua được cổ phiếu ưu đãi của các công ty, doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế đang cổ phần hóa nhưng chưa đưa lên sàn giao dịch chứng khoán (cổ phiếu OTC) rồi bán lại để hưởng lãi từ 5-10%. Tin tưởng những điều Nghĩa nói, 5 phụ nữ đã thỏa thuận với Nghĩa để tham gia mua bán cổ phiếu kiếm lời.
Thời gian đầu, Nghĩa báo lãi rồi trả một phần tiền hoặc cộng dồn tiền gốc, lãi nhằm tạo niềm tin cho những người tham gia cùng mình để họ tiếp tục giao tiền với số lượng lớn hơn. Tháng 1-2008, 1 trong 5 phụ nữ trên rủ thêm một người bạn nữa tham gia cùng Nghĩa. Sau khi nhận được số lượng lớn tiền từ 6 người phụ nữ chuyển vào tài khoản, Nghĩa đã rút toàn bộ nhưng không mua cổ phiếu mà sử dụng tiền của người nộp sau trả một phần cho người nộp trước rồi chiếm đoạt số còn lại.
Do không thấy Nghĩa trả tiền như đã cam kết, ngày 2-2-2008, những người góp vốn cho Nghĩa đến đòi lại tiền. Lúc này, Nghĩa lấy lý do chưa rút được tiền nên hẹn sẽ trả vào dịp Tết Âm lịch. Để các bị hại tin tưởng, Nghĩa còn viết giấy cam kết hẹn trả tiền. Tuy nhiên đến hẹn, Nghĩa tắt điện thoại và bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Tiến hành xác minh, ngày 12-3-2008, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra quyết định truy nã Đoàn Vũ Thanh Nghĩa về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 14-1-2009, Nghĩa bị bắt theo quyết định truy nã.
Kết quả điều tra xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 3-2007 đến tháng 1-2008, Nghĩa đã nhận tổng số tiền gần 45 tỷ đồng của 6 bị hại. Sau khi nhận tiền, Nghĩa chi trả cho những người bị hại hơn 7 tỷ đồng, còn chiếm đoạt gần 38 tỷ đồng.
Sau 11 năm, vụ án này trải qua nhiều phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm rồi lại bị hủy án. Lý do vụ án này chưa kết thúc bởi vì cơ quan tố tụng chưa làm rõ được những khoản tiền các bên đưa cho nhau vì không có giấy tờ chứng minh. Ngoài ra, quá trình điều tra và xét xử, Nghĩa cũng liên tục thay đổi lời khai, gây khó cho cơ quan tố tụng.
Trong hồ sơ vụ án có tờ giấy photo có nội dung, Nghĩa hẹn ngày trả số tiền 30 tỷ đồng cho bà Nguyễn Thị Kim Oanh (ở Hà Nội). Quá trình điều tra bổ sung vụ án, cơ quan điều tra nhiều lần yêu cầu chị Oanh giao nộp bản gốc tờ giấy do Nghĩa viết giấy hẹn trả số tiền này, nhưng chị Oanh không giao nộp được bản gốc. Còn Nghĩa khai nhận, bị chị Oanh ép viết giấy số tiền trên. Sau đó, Nghĩa lại thay đổi lời khai khi cho rằng, tờ giấy trên là do chị Oanh tự cắt ghép, photo. Cơ quan điều tra trưng cầu giám định thì xác định, Nghĩa đã viết giấy tờ trên.
Năm 2011, TAND TP Hà Nội mở phiên toà sơ thẩm và tuyên phạt Nghĩa tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm 2012, TAND tối cao mở phiên toà phúc thẩm và tuyên huỷ án sơ thẩm. Năm 2013, TAND TP Hà Nội mở phiên toà sơ thẩm lần 2 và tuyên phạt Nghĩa tù chung thân. Năm 2016, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm lần 2 và tuyên huỷ án sơ thẩm. Năm 2018, Viện KSND TP Hà Nội ban hành cáo trạng lần thứ 3.
Kết thúc phiên toà xét xử sơ thẩm (lần 3) chiều 2- 7, TAND TP Hà Nội vẫn giữ nguyên quyết định tuyên phạt bị cáo Nghĩa tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như các phiên toà sơ thẩm trước đó.
Nguồn: