Số 0 trong dòng tiền lớn

23/11/2024
Một phần phản ánh nguồn tiền dồi dào và tiền rẻ trong các cân đối lớn trên thị trường hiện nay.

Như BizLIVE đề cập ở một bài viết gần đây , trao đổi bên lề với báo chí về quyết định giảm lãi suất cho vay tại 10 tỉnh miền Trung, lãnh đạo cấp cao Vietcombank nhận định trong hàng chục năm qua chưa bao giờ lãi suất thấp như hiện nay.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND cũng duy trì mặt bằng thấp sát 0%/năm nhiều tháng qua.

Ở một phần phản ánh khác, có một số 0 đáng chú ý trong cân đối của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) lớn.

Cụ thể, số 0 đã xuất hiện trên bảng cân đối của Vietcombank và BIDV, ở khoản mục Tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước .

Chi tiết, theo báo cáo tài chính quý 3/2020 của Vietcombank, Kho bạc Nhà nước chỉ còn số dư tiền gửi thanh toán (bao gồm cả ngoại tệ) 1.372 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn bằng 0. Trong khi đó, cuối 2019, tiền gửi có kỳ hạn bằng VND của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank lên đến 87.865 tỷ đồng.

Tại BIDV, tiền gửi thanh toán Kho bạc Nhà nước cuối quý 3/2020 có 2.066 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn cũng bằng 0. Giống như Vietcombank, cuối 2019 tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước tại BIDV từng lên tới 87.865 tỷ đồng.

Nhìn sang VietinBank, không phân tách chi tiết tiền gửi thanh toán và tiền gửi có kỳ hạn, nhưng số dư cuối quý 3/2020 tiền gửi của Kho bạc Nhà nước cũng chỉ có 12.614 tỷ đồng, trong khi cuối 2019 lên tới 67.986 tỷ đồng.

Hiện chỉ còn Agribank là NHTM nhà nước lớn chưa công bố báo cáo tài chính quý 3/2020 để tham khảo.

Tuy nhiên, Vietcombank, BIDV và VietinBank với quy mô thị phần lớn, cùng chung đặc điểm là địa chỉ truyền thống gửi tiền của Kho bạc Nhà nước, cũng đã định hình bức tranh mới với số 0 trong dòng tiền lớn.

Những năm trước, nổi bật như 2018-2019, giải ngân vốn đầu tư công ách tắc kéo dài, trong khi nguồn huy động trái phiếu Chính phủ thuận lợi với quy mô lớn… Cao điểm, có những lúc lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước từng ứ đọng lên tới khoảng 500.000 tỷ đồng trong hệ thống ngân hàng thương mại, trong đó có cấu phần lớn ở tiền gửi có kỳ hạn.

Trước ứ đọng trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giai đoạn đó từng cho biết trên diễn đàn Quốc hội rằng, một nguồn tiền lớn của ngân sách đã được tách bớt và chuyển về để ở Ngân hàng Nhà nước.

Tháng 11/2019, việc dịch chuyển trên được cụ thể hóa bằng cơ chế: tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước buộc phải kết chuyển về để ở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước vào cuối ngày, gần như không đọng lại tại các NHTM như trước.

Tuy nhiên, với ách tắc của giải ngân đầu tư công, nguồn huy động trái phiếu Chính phủ lớn, số dư ngân quỹ nhàn rỗi lớn, Kho bạc Nhà nước tiếp tục thực hiện gửi tại các NHTM, chủ yếu tại Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank.

Việc gửi ngân quỹ nhàn rỗi ở tiền gửi có kỳ hạn thực hiện qua cơ chế đấu thấu. Định kỳ Kho bạc Nhà nước gửi chào thầu, các NHTM gửi thư đặt thầu về (chủ yếu 4 NHTM nói trên theo tiêu chuẩn lựa chọn của Bộ Tài chính ) và nhận tiền gửi.

Và như trên, số 0 đã xuất hiện trong số dư nhận tiền gửi nguồn này tại Vietcombank và BIDV, tại VietinBank không phân tách chi tiết nhưng tổng số dư cũng rất nhỏ so với cuối 2019.

Một lãnh đạo NHTM trong nhóm trên cho biết, huy động vốn hiện nay thuận lợi, cân đối nguồn dồi dào, họ không nhất thiết phải tham gia đấu thầu nhận tiền gửi Kho bạc Nhà nước, hoặc đã chủ động cân đối được sau khi lượng tiền gửi thanh toán điều chuyển đi.

Mặt khác, tăng trưởng tín dụng năm nay hạn chế do ảnh hưởng Covid-19, chỉ tiêu tăng trưởng Ngân hàng Nhà nước giao cũng có hạn, ở mức thấp so với những năm trước. Theo đó, tỷ lệ cho vay trên huy động vốn được giữ ở mức thấp, như tại Vietcombank chỉ quanh 77%...

Như vậy, các NHTM lớn nói trên đã không còn quá mặn mà với tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước, họ cũng chủ động cân đối nguồn và chi phí; nhìn sáng một số NHTM cổ phần tư nhân lớn khác, tiền gửi Kho bạc Nhà nước cũng không có, hoặc thảng vài chục tỷ đồng tiền gửi thanh toán.

Diễn biến trên một mặt phản ánh cân đối nguồn thuận lợi, dồi dào tại các NHTM lớn; chi phí huy động thấp với lãi suất giảm sâu thời gian qua cho đến nay. Trong khi đó, các tuần gần đây tiếp tục ghi nhận Ngân hàng Nhà nước trở lại mua vào ngoại tệ, đồng nghĩa lượng tiền cung ứng lớn tiếp tục "bơm" ra thị trường; ngược lại, ở kênh hút tiền về qua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước cũng là số 0 suốt nhiều tháng qua.

Mặt khác, diễn biến trên cho thấy những điểm đến mới của dòng tiền lớn Kho bạc Nhà nước.

Thứ nhất, với quyết tâm của Chính phủ, giải ngân đầu tư công từ giữa năm nay được đẩy mạnh, nguồn tiền ngân sách bớt ứ đọng và lan tỏa ra nền kinh tế và có phần ngấm vào hệ thống NHTM qua tiền gửi tổ chức kinh tế và dân cư. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công không thể giải phóng nhanh và mạnh lượng ứ đọng, nhất là tháng 10 và 11 vừa qua bị cản trở bởi bão lũ dồn dập…

Thứ hai, quy mô và mức độ ứ đọng nguồn tiền lớn này sẽ tập trung ở tài khoản Kho bạc Nhà nước để tại Ngân hàng Nhà nước.

Điểm được chú ý hiện nay, như trên, số 0 đã thể hiện, ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi đã không có một phần nguồn thu cân đối qua gửi có kỳ hạn tại các NHTM lớn như trước, trong khi nguồn huy động qua trái phiếu Chính phủ vẫn phải trả lãi.

Nhưng, có một ứng xử mới đang dần hình thành. Như BizLIVE thông tin vừa qua , Bộ Tài chính đang hoàn thiện để ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi. Theo hướng này, nguồn tiền ứ đọng sẽ được sử dụng, một mặt tạo tiền ngắn hạn ra thị trường, mặt khác góp phần cân đối chi phí ngân sách khi mua lại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn.

Nguồn: