Các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh của Mỹ như Starbucks, McDonald và Subway đều có tên trong danh sách các công ty mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) lựa chọn để thử nghiệm tiền kỹ thuật số trong các giao dịch nhỏ cùng với 19 doanh nghiệp địa phương khác.
Cổng thông tin Sina.com cho hay, những thương hiệu tiêu dùng nước ngoài nói trên sẽ được mời tham gia thử nghiệm cùng với các khách sạn địa phương, các cửa hàng tiện lợi, tiệm bánh, nhà sách và phòng tập thể dục, theo thông tin chi tiết tại một sự kiện quảng cáo hôm 22/4 ở Hùng An, một thành phố nằm ở phía nam Bắc Kinh. Sự kiện này được tổ chức bởi chi nhánh của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan lập kế hoạch và có sự tham dự của đại diện của 4 ngân hàng thương mại lớn nhất cùng 2 "đại gia thương mại điện tử" của nước này là Alibaba và Tencent.
Việc áp dụng đối với các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đánh dấu sự mở rộng trong chương trình thử nghiệm của PBOC. Tuần trước, tại Tô Châu, tiền kỹ thuật số đã được sử dụng để trả một nửa trợ cấp đi lại trong tháng 5 của công nhân khu vực công.
Người tiêu dùng Trung Quốc hiện cũng đã quen với việc sử dụng thanh toán số. Ước tính có khoảng 890 triệu người dùng đã thực hiện các giao dịch thanh toán qua điện thoại di động với tổng trị giá khoảng 20 nghìn tỷ USD trong năm 2019. Số doanh nghiệp thực hiện thanh toán di động dự kiến cũng sẽ tăng từ khoảng 577 triệu trong năm 2019 lên khoảng 700 triệu vào năm 2022. Bên cạnh đó, giao dịch bằng mã QR cũng đã rất phổ biến tại nước này.
Trung Quốc không đưa ra thời gian cụ thể cho việc ra mắt đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, nhưng các báo cáo tuần trước về thử nghiệm mới đã làm dấy lên suy đoán rằng sự kiện này có thể sắp xảy ra. Các thử nghiệm được cho là đang tăng tốc sau khi khi Libra, một loại tiền điện tử được Facebook hỗ trợ, đã thu hẹp tham vọng trở thành một loại tiền tệ toàn cầu.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Citic Securities, Trung Quốc dự kiến sẽ chính thức cung cấp loại tiền kỹ thuật số vào cuối năm 2020. Tổng quy mô tiền kỹ thuật số có thể đạt 1.000 tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) trong những năm tới, tương đương với việc số hóa khoảng 1/8 lượng tiền mặt của nước này. Trong khi đó, tổng giá trị vốn hóa thị trường của tiền điện tử hiện nay, bao gồm cả Bitcoin, là khoảng 200 tỷ USD.
Kế hoạch thử nghiệm tiền kỹ thuật số của Trung Quốc được biết đến bắt nguồn từ việc ảnh chụp màn hình của một phiên bản thử nghiệm được phát triển bởi Ngân hàng Nông nghiệp nước này bị rò rỉ hôm 15/4.
Đến ngày 17/4, Viện nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của PBOC đã xác nhận rằng cuộc thử nghiệm đang được tiến hành tại 4 thành phố bao gồm Thâm Quyến, Tô Châu, Hùng An và Thành Đô. Ngoài ra, các địa điểm của Thế vận hội mùa đông 2022 tại Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu cũng sẽ tham gia chương trình thử nghiệm trong tương lai. Đồng thời, Viện cho biết thêm các phiên bản thử nghiệm và ứng dụng này chưa phải là bản cuối cùng.
Việc thử nghiệm dự án dựa trên hai nguyên tắc: Ngân hàng trung ương phát hành tiền ảo cho các ngân hàng thương mại sau đó chuyển nó cho người tiêu dùng với mục đích thay thế tiền mặt trong tất cả các giao dịch. Có thể nói, Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên công bố kế hoạch cho một loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền, nhằm kiểm soát tốt hơn sự gia tăng nhanh chóng của thanh toán kỹ thuật số trên toàn thế giới.
Đáng chú ý, trong 20 năm qua, từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nước này đã đi lên từ một nước nghèo, dựa hoàn toàn vào tiền mặt và trở thành một nền kinh tế đổi mới sáng tạo khi tầng lớp trung lưu ở những thành phố chính hầu hết đều thanh toán qua internet.
Có hai yếu tố chủ yếu cho phép thanh toán kỹ thuật số ở Trung Quốc ở trong giai đoạn chín muồi như hiện nay. Đầu tiên là mức độ sở hữu tài khoản ngân hàng cao (79%), đóng vai trò là nền tảng để hỗ trợ cho sự phát triển vượt bậc của 2 ứng dụng thanh toán hàng đầu tại nước này là Alipay và WeChat Pay.
CGAP cho biết, Trung Quốc đã có thể xây dựng hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số trên nền tảng cơ sở hạ tầng tài chính hiện có dưới dạng tài khoản ngân hàng, thẻ ngân hàng và hệ thống thanh toán bù trừ. Cả AliPay và WeChat Pay đều được coi là các trung gian thanh toán thứ ba, mà nổi bật là sự phụ thuộc của họ vào tài khoản ngân hàng cơ bản.
Yếu tố thứ hai giúp Trung Quốc có thể đưa vào sử dụng tiền kỹ thuật số rộng rãi là tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh cao, bao gồm cả ở khu vực nông thôn.
Trước đó, PBOC cũng đã hạn chế những giao dịch của các loại tiền kỹ thuật số khác và cấm các ngân hàng chấp nhận tiền điện tử, điều mà được cơ quan này coi là rủi ro đối với sự ổn định tài chính.
Tham khảo: South China Morning Post
Nguồn: