Bước sang tháng 7, xu hướng TTCK đi ngang vẫn sẽ ngự trị khi nhà đầu tư (NĐT) có thiên hướng nghe ngóng và tìm kiếm thông tin. Tháng 7 là mùa cao điểm báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) bán niên, nên giá cổ phiếu có thể sẽ có những biến động theo các xu hướng khác nhau.
Do dịch COVID-19 nên nhiều doanh nghiệp cũng chỉ vừa mới tổ chức ĐHĐCĐ, theo đó các thông tin về KQKD bán niên cũng đã được công bố, và dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển sang những cổ phiếu tốt trong giai đoạn này.
Ở khía cạnh khác, điều mà nhiều NĐT rất quan tâm chính là những chuyển động vĩ mô của 6 tháng cuối năm nay khi mà tăng trưởng GDP quý 2 chỉ ở mức 0,36% và 6 tháng là 1,81%- mức tăng trưởng rất thấp trong bối cảnh CPI vẫn duy trì mức cao trên 4%.
Mặc dù là một trong những quốc gia hiếm hoi có tăng trưởng GDP dương trong quý 2/2020, nhưng Việt Nam vẫn mong muốn hành động mạnh mẽ hơn. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương vào chiều ngày 2/7, Thủ tướng cho rằng: "Nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế đang cấp bách hơn bao giờ hết và mong muốn tăng trưởng ở mức cao nhất, vào khoảng 3-4% năm 2020. Cần kiểm soát giá nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tín dụng năm nay phải tăng trưởng ít nhất 10% và tỷ lệ nợ công có thể tăng thêm 2-3%".
Cần nhớ rằng tín dụng 6 tháng đầu năm nay chỉ ở mức 3,26% và như vậy với mục tiêu 10%, thì sẽ có một lượng tiền rất lớn được bơm vào nền kinh tế, và TTCK có thể sẽ được hưởng lợi.
Trên đồ thị, chỉ số VN-Index đã tăng trở lại sau khi rơi xuống mốc thấp 825 điểm và đóng cửa tại mốc 861,16 điểm sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 7/6. Tháng 7 không hẳn là tháng buồn tẻ bởi lịch sử cho thấy tháng 7 là tháng TTCK thường tăng điểm tích cực. Do đó, với những yếu tố như trên, NĐT cần hành động tích cực hơn với những cổ phiếu tốt bởi trong một xu thế mới không ngoại trừ nhóm cổ phiếu này sẽ có một nhịp tăng mới. Đáng lưu ý nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ có động lực để tăng giá sau thời gian dài đi ngang và không hồi phục như các cổ phiếu khác.
Nguồn: