Các hoạt động đóng góp, ủng hộ đám đông (crowdfunding) trong lĩnh vực từ thiện ngày càng lớn, với tinh thần chia sẻ giữa người với người, của "lá lành đùm lá rách" và "lá lành ít đùm lá rách nhiều" tương thân tương ái trong truyền thống Việt Nam, đang không ngừng được lan tỏa trong các bối cảnh đặc biệt.
Minh bạch - 2 chữ ấy có gì khó khăn?
Nhưng các hoạt động đóng góp, ủng hộ đám đông này thông qua các hội, nhóm, cá nhân khởi xướng từ thiện tự phát trong nhiều khi, còn chưa được chú trọng về minh bạch thu - chi, hay hướng đến “kiểm toán”. Và việc thiếu chú trọng minh bạch, công khai thông tin này đã dẫn đến những lùm xùm không đáng có, như trường hợp tiền từ thiện chậm đến tay đồng bào bị bão lụt của NSƯT Hoài Linh cách đây chưa lâu; còn nay, là các trường hợp khởi xướng, nhận từ thiện của một số ca sĩ, nghệ sĩ khác.
Không phải ngẫu nhiên mà livestream của một nữ doanh nhân đất Bình Dương về câu chuyện từ thiện của các nghệ sĩ trong giới showbiz Việt nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Bỏ ngoài chuyện đúng, sai của các thông tin và những cuộc đối thoại mang tính “khẩu chiến” của các bên, rõ ràng sự quan tâm của nhiều người về những thông tin này cho thấy điều công chúng đang mong chờ chỉ là 2 chữ: Minh bạch. Điều đó cũng không có nghĩa họ không tin các nghệ sĩ hay hoài nghi nữ doanh nhân hoặc ngược lại chỉ tin một trong hai, mà là họ chưa được nhìn thấy, chưa được cung cấp, được công bố rõ ràng, một cách thỏa mãn nhất và đúng chuẩn mực của 2 chữ “minh bạch” nhất, đối với việc thu - chi trong các hoạt động từ thiện ở quãng thời gian qua.
Phải nói một cách công bằng rằng các nghệ sĩ trong nhiều trường hợp, cũng đã có sự công khai nhất định và cung cấp các sao kê các hoạt động thu - chi từ thiện. Nhưng vì sao công chúng vẫn chưa thỏa mãn? Phải chăng như nêu trên, việc cung cấp sao kê nhận tiền - giải ngân này mới dừng ở một phần “nhất định”, tức chưa hoàn toàn đầy đủ và đúng “chuẩn” minh bạch, khiến công chúng chưa thực nắm được đầy đủ thông tin như họ mong đợi? Đây đó, trên nhiều tài khoản ở các trang mạng xã hội của các luật sư, chuyên gia tài chính, họ cũng thẳng thắn lên tiếng: Đây không phải là câu chuyện ưa thích hay “hóng hớt” thông tin, mà là câu chuyện của yêu cầu minh bạch. Bởi lẽ, “việc sao kê thì đâu có khó gì”.
Trên thực tế, hoạt động từ thiện tự phát của nhiều hội nhóm trong đại dịch Covid-19 đang diễn ra, cũng đã có ý thức về công khai thông tin thu - chi. Một chuyên gia tài chính khi đứng ra kêu gọi quyên góp để tài trợ máy thở cho các bệnh viện cho khu vực TP HCM, đã mở một tài khoản riêng cho hoạt động này. Ông cập nhật danh sách đóng góp chi tiết định kỳ, cung cấp thông tin của các bên báo giá mua máy thở và quyết định lựa chọn đơn vị bán máy / mức giá; sau đó là cung cấp cập nhật các điểm đã tài trợ, số lượng máy được tài trợ, số điện thoại người đại diện nhận của địa điểm nhận máy… Cứ thế cập nhật dần cho đến khi hoạt động hoàn tất giải ngân các khoản tiền đã nhận. Không có ai thắc mắc bất cứ điểm gì trong hoạt động này vì thông tin đã có trên các file excel.
Dĩ nhiên, cũng không ai làm được như vị trên khi ông là "dân chuyên ngành" về tài chính, hơn nữa có lẽ cộng đồng đám đông ủng hộ cho hoạt động này, nhiều người trong số đó cũng có trường tương tác và mối quan tâm như nhau, có tài khoản facebook, dễ dàng đọc excel, dễ dàng nắm bắt và hiểu ngay các thông tin mà ông cung cấp qua sao kê dạng này.
Trong khi đó, những hoạt động thiện nguyện khẩn cấp, trực tiếp, như trường hợp nữ ca sĩ Thủy Tiên, đã phải bơi thuyền giữa sóng nước bão lũ để phát tiền, phát gạo, thì việc cập nhật thu-chi bằng excel, hay chú ý lấy các chữ ký, xác nhận của người dân nhận tiền cứu trợ khi nhà họ vừa bị cuốn trôi, là bất khả thi. Song bất khả thi ở ngay thời điểm đó không có nghĩa không thể thực hiện thống kê, sao kê, đối chiếu đầy đủ các khoản thu-chi từ tài khoản ngân hàng và chứng nhận của các đầu mối cơ quan chức năng, địa phương đã phối hợp cung cấp danh sách hoặc đang quản lý khu vực có đối tượng nhận ủng hộ từ thiện, sau đó. Cũng như, không phải bối cảnh từ thiện khó khăn sẽ khiến các khoản không được thống kê, chứng minh sao kê đầy đủ, thì đồng nghĩa không thể có lý do, công bố nguyên nhân, giải trình đầy đủ.
Hơn thế, ở góc độ công chúng là những nhà ủng hộ đám đông lẫn người thụ hưởng ủng hộ, không phải ai cũng sẽ tiếp nhận được hay “đọc” được toàn bộ mọi thông tin cung cấp qua các dạng sao kê cập nhật, dù là dạng sử dụng tính năng real time (mà đã có quỹ áp dụng), họ cần thêm những thông tin tổng kết rút ngắn được xác thực bởi bên thứ ba, thậm chí những lưu ý, loại trừ cụ thể nếu có, từ những nhà kiểm toán hay các chuyên gia có chuyên môn, hoạt động độc lập.
Trách nhiệm của nhà tạo dựng hoạt động
Do đó, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận hoạt động thiện nguyện tự nguyện tự phát, ở một quy mô nhất định, cũng nên chịu quy định cụ thể về minh bạch, công khai thông tin, trách nhiệm nhà tạo dựng hoạt động. Tương tự như các quy định về yêu cầu kiểm toán đối với tổ chức, các công ty, quỹ đã đứng ra thực hiện hoạt động này. Hoặc tối thiểu là quy định cụ thể về việc thực hiện đối chiếu, soát xét từ nhóm chuyên gia độc lập có chuyên môn (mà hoạt động soát xét này là thiện nguyện hoặc được trả phí từ chính nguồn tiền của nhóm huy động được), đối với hoạt động thu - chi của nhóm, cá nhân hoạt động thiện nguyện tự phát ở quy mô nhất định, khi nhóm, cá nhân này lại không muốn lập thành công ty, quỹ để duy trì hoạt động thường xuyên, lâu dài, theo dạng có tổ chức.
Với các doanh nghiệp, hoạt động từ thiện ủng hộ phòng chống COVID-19 sẽ được hạch toán vào chi phí và doanh nghiệp đại chúng sẽ có kiểm toán đầy đủ. Với các tổ chức câu lạc bộ, hội nhóm có các hoạt động từ thiện trường kỳ như tiếp tế thực phẩm, bữa cơm cho bệnh viện dã chiến, người nghèo... thì không dễ dàng để thống kê, đối soát thu - chi. (ảnh: Người đẹp Việt Nam tham gia CLB "Suối mát từ tâm" trao cơm cho người nghèo trong mùa dịch).
“Quy định kiểm toán, soát xét, đối chiếu, là để hướng đến mục tiêu công khai, minh bạch cho các hoạt động thiện nguyện. Chúng ta đừng lo ngại điều này sẽ khiến nhiều người không còn muốn đứng ra làm công tác từ thiện. Mà ngược lại, đó vừa là giải pháp tốt nhất để “bảo vệ” chính họ, khi “đứng mũi chịu sào” với mong mỏi lan tỏa lòng thiện, từ tâm của nhiều người hảo tâm, vừa tăng hiệu ứng để hoạt động thêm hiệu quả. Người đứng ra tổ chức hoạt động từ thiện theo đó sẽ yên tâm không bị "tiếng bấc tiếng chì" nào về sau. Tin rằng một khi đã có lòng từ thiện, người tổ chức hoạt động từ thiện cũng sẽ không e ngại “làm nốt” khâu kiểm toán hay soát xét đầy đủ thông tin thu - chi và công bố. Và đây cũng là giải pháp để niềm tin và lòng thiện của mọi người trong xã hội không hề vì sự nghi ngờ, e ngại sự thiếu minh bạch, sự giải ngân trật địa chỉ, khác mong muốn của đám đông ủng hộ... mà mai một dần đi", một chuyên gia chia sẻ.
Dĩ nhiên, nếu theo kiến nghị này để được lợi cho tất cả các bên và để vốn xã hội bền vững, thì các quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP về hoạt động công tác thống kê của Quỹ từ thiện cần có sự mở rộng, sửa đổi ra ngoài phạm vi mô hình hoạt Quỹ.
Hoặc, Dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo mà Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện, ngoài các quy định mới đáng lưu ý như Cá nhân vận động từ thiện phải thông báo với nơi cư trú; Cá nhân phải tổng hợp đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện và công khai trên các phương tiện truyền thông… vẫn cần bổ sung thêm quy định cụ thể về việc ở cấp độ, quy mô nào thì cần có kiểm toán, phối hợp soát xét với các bên thứ ba, hay thời gian thực hiện soát xét công bố, công khai thông tin sau hoạt động.
Nhìn rộng hơn, có lẽ chẳng có nhà hảo tâm nào dù là “lá lành” hay “lá rách ít” đặt lòng hoài nghi đối với bất kỳ người làm từ thiện nào đã dũng cảm đứng ra vận động thiện nguyện để sẻ chia khó khăn cho người khác. Bởi với các bên, một khi đã có thiện niệm nảy sinh, muốn trao đi tài vật, muốn trao đi tình thương, lẽ phải, hơn hết còn muốn trao đi sự “vô úy” để người khác bớt sợ hãi, để động viên người khác vượt qua nghịch cảnh, mà lại có ý nghĩ bất thiện.
Cho dù như vậy, sau tất cả, thiện nguyện tập thể là hoạt động tạo ra các giá trị chia sẻ chung (Creting Share Values - CSV). Hoạt động này đã, đang, sẽ tiếp tục tham dự, tạo dựng, và trở thành một cấu phần tạo ra các hệ giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội của chúng ta. Mà những phạm trù tạo giá trị thì trừu tượng nhưng bản thân giá trị của tài lực quyên góp cho hoạt động từ thiện và người thụ hưởng thì lại rất cụ thể. Do đó, giữ gìn để các giá trị chia sẻ chung đó còn tiếp tục, còn nối dài, trên cơ sở minh bạch những gì cụ thể, thấy được, rõ ràng cũng là trách nhiệm của các nhà đã khởi sinh thiện niệm, đã gánh lãnh vai trò người thúc đẩy, tạo dựng.
Nguồn: