Đây là một trong những nội dung tại Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23 về hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, vừa được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh ký.
Sửa đổi đáng chú ý của thông tư lần này là quy định rõ ràng về việc mở tài khoản thanh toán của cá nhân tại các tổ chức tín dụng bằng phương thức điện tử (eKYC). Theo Ngân hàng Nhà nước, eKYC được xem là nền tảng đầu tiên để thanh toán số, ngân hàng số phát triển.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng đang chờ đợi thông tư về eKYC được ban hành để có hành lang pháp lý, quy định cụ thể, sau thời gian tiến hành thử nghiệm cho phép khách hàng mở tài khoản từ xa, thay vì phải tới tận quầy giao dịch.
Thông tư chính thức để triển khai eKYC vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành. Ảnh: Lam Giang
Theo đó, thông tư 16 quy định rõ các ngân hàng triển khai mở tài khoản thanh toán cho khách hàng bằng phương thức điện tử phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phù hợp các quy định của pháp luật. Cảnh báo khách hàng về những hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử…
Các ngân hàng tự quyết biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng cho việc mở tài khoản qua eKYC như dữ liệu sinh trắc học của khách hàng để định danh, khó làm giả như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói… Có biện pháp ngăn chặn hành vi giả mạo, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trước, trong và sau khi mở tài khoản thanh toán.
"Ngân hàng thương mại căn cứ điều kiện công nghệ để đánh giá rủi ro, xác định phạm vi sử dụng và quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán mở bằng eKYC nhưng phải bảo đảm tổng hạn mức giao dịch (ghi nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng" – Thông tư 16 nêu rõ.
Việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử không áp dụng đối với tài khoản thanh toán chung, khách hàng cá nhân là người nước ngoài…
Ngay khi thông tư được ban hành, trao đổi với Báo Người Lao Động 7-12, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết trong lúc chờ thông tư có hiệu lực, các ngân hàng vẫn có thể triển khai mở tài khoản qua eKYC và dần dần hoàn thiện theo quy định trong thông tư. "Chúng tôi cũng đang tiến hành các bước kiểm tra trước khi áp dụng eKYC vào mở tài khoản thanh toán cho khách hàng" - vị lãnh đạo ngân hàng này nói.
Đến nay, đã có một số ngân hàng triển khai eKYC vào mở tài khoản cho khách hàng như Bản Việt, HDBank, TPBank, VPBank, Sacombank.
Trước đó, ban soạn thảo Ngân hàng Nhà nước nhận định việc mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp khách hàng sẽ góp phần tạo điều kiện giúp ngân hàng mở rộng đối tượng khách hàng và khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng từ thanh toán, tiết kiệm, cho vay… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiềm ẩn nguy cơ, việc mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp giúp người dân có thể sử dụng dịch vụ thanh toán qua kênh điện tử, hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Thông tư này có hiệu lực từ 5-3-2021.
Nguồn: